Multimedia Đọc Báo in

Để thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn

08:06, 04/03/2018

Thời xưa, hầu hết những người có học đều có khả năng làm thơ và bình luận thơ phú. Sự hiểu biết về thơ ca và có tài ứng đối thơ thường được xem như là một trong các phẩm chất của người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu.

Với những thế hệ trước, thường thì ai cũng có thể kể ra ít nhiều một vài bài thơ, một số câu thơ tâm đắc đã chép vào sổ tay, đã thuộc nằm lòng.

Thậm chí, có những câu thơ đã trở thành định hướng giá trị sống của người yêu thơ. Thơ ca góp phần giúp con người hiểu về thân phận, thấm nỗi đau nhân tình và có khả năng vượt qua các rào cản ngôn ngữ, địa lý để gắn kết con người. Đó là những giá trị rõ ràng của thơ ca. Ở thời đại nào và ở không gian nào thì thơ ca cũng đều có khả năng như là “chiếc chìa khóa” cho tâm hồn chúng ta mở ra những cánh cửa cảm xúc, ký ức và trí tưởng tượng.

Thực tế cho thấy trong xã hội hiện đại ngày nay, người đọc thơ, yêu thơ không nhiều. Không thể khẳng định con người ta trở nên hung hăng vì thiếu tình yêu với thơ nhưng quả thực, nếu thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn thì sự thiếu vắng thơ trong môi trường giáo dục, trong đời sống hằng ngày khiến tâm hồn con người trở nên khô khan. Đây không phải là thực trạng riêng có ở Việt Nam mà diễn ra phổ biến như một xu hướng tất yếu của quá trình hiện đại hóa xã hội ở nhiều nơi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ năm 2003, hoạt động Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hằng năm như là một nỗ lực duy trì và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca cho các thế hệ trong bối cảnh hiện đại hóa. Trong Ngày thơ diễn ra các hoạt động thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối... Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, các địa phương cũng thường tổ chức các hoạt động tôn vinh thi ca ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Thực tế trong những năm qua cho thấy, ngày thơ sẽ thực sự là “ngày thơ” khi tinh thần thơ ca cần được phản ánh. Trong không gian lắng đọng, tiếng thơ cất lên sâu thẳm mà thanh tao, làm cho tâm hồn con người thánh thiện. Người đọc thơ và người nghe phút chốc như được sống trong không gian đầy trí tuệ với ngôn từ bay bổng, điêu luyện và thấm đẫm tư tưởng nhân văn. Và ngày thơ sẽ chỉ là “ngày hội thơ” khi những người tham dự, người quan sát được vui vẻ, thư giãn. Việc treo thơ, bày thơ, đọc thơ, ca ngợi thơ, vinh danh thơ... diễn ra trong khung cảnh hội hè, màu sắc rực rỡ mà không cần tới không gian tĩnh lặng để rồi cùng suy ngẫm. Bởi vậy, để đạt được tinh thần tôn vinh thơ ca tại các sự kiện trong Ngày thơ quả thực rất khó và phụ thuộc không chỉ ở người tổ chức mà còn là người tham dự, không gian tổ chức và điều quan trọng là cách thức để tình yêu thơ ca được lan tỏa sau sự kiện.

Có một sự thật là ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng hay nhất trong sự giản dị của nó. Đối với đại chúng, để thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn có lẽ cũng chỉ cần tới những cách thức giản dị trong việc để thơ ca lưu lại, thấm vào suy nghĩ, trở thành thứ tư tưởng giản dị nhưng sâu thẳm. Chẳng hạn như cái cách mà ca dao, tục ngữ đã thấm vào biết bao thế hệ, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp mà trong đó, mọi người cư xử tử tế với nhau và tử tế với môi trường mà mình đang sống.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.