Thưởng thức ẩm thực Lào ở Buôn Đôn
Với các món ăn đặc trưng, mang hương vị độc đáo, ẩm thực Lào do chính người Việt gốc Lào đang sinh sống tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn chế biến đã làm say lòng không biết bao du khách đến thăm.
Dù được sinh ra tại miền đất bazan bạt ngàn nắng gió, nhưng tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chị Bun Xóm Lào (dân tộc Lào, xã Krông Na) thường xắn tay vào bếp, làm những món ngon truyền thống cho cả nhà. Với chị và hơn 200 người dân gốc Lào trên vùng đất này, vào bếp không chỉ để thưởng thức, mà còn là cách để gìn giữ những giá trị văn hóa ẩm thực đặc biệt của dân tộc mình.
Chị Bun Xóm Lào chân tình cho biết, thông thường, bên mâm cơm gia đình, hay tại bữa tiệc thiết đãi khách quý của dân tộc Lào thường có một dĩa lạp với mùi vị cay nồng. Lạp được xem là món ăn truyền thống, mang ý nghĩa phúc lộc dồi dào, nhiều may mắn, thể hiện ước nguyện mọi điều tốt đẹp của gia chủ đối với mọi người trong gia đình và những vị khách quý đến thăm.
Lạp – món ăn truyền thống của người Lào, mang ý nghĩa phúc lộc dồi dào, may mắn. |
Tùy khẩu vị mỗi người để có những cách chế biến món lạp khác nhau, có thể sử dụng thịt bò, cá, gà, vịt, heo… đều được, nhưng gia đình chị Bun Xóm Lào vẫn thích nhất món lạp làm từ lòng heo, thịt ba chỉ. Toàn bộ lòng heo sau khi luộc chín, thái lát mỏng sẽ được trộn với thịt ba chỉ băm nhỏ (đã được xào qua) và các loại gia vị: ớt tươi, chanh, sả, thính gạo. Gia vị, nguyên liệu đơn giản là vậy, nhưng nhờ cáchpha trộn độc đáo đã khiến món lạp dù đạm bạc, nhưng không kém phần hấp dẫn. Lạp “đúng chuẩn” có đủ vị cay nồng của ớt, vị chua của chanh và vị ngọt thơm của thịt. Với những ai chưa quen ăn, chỉ cần nếm thử cũng đủ nóng người, giàn dụa nước mắt bởi vị cay của ớt. Để cân bằng vị giác, lạp được ăn kèm với rau thơm và xôi nếp dẻo.
Cùng với món lạp, đồng bào dân tộc Lào trên đất Buôn Đôn còn nổi tiếng với các món nướng: gà, cá, heo … Để có một món nướng thật ngon, theo chị Bun Xóm Lào, khâu quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu. Đơn cử, với món gà nướng phải là gà thả đồi, thịt săn chắc. Sau khi làm sạch, gà sẽ được kẹp vào que tre (tùy số lượng người ăn để có thể nướng nhiều con hay ít), buộc chặt, rồi đặt lên bếp than hồng, quay thường xuyên cho đến lúc gà vàng ươm, tỏa mùi thơm nức. Tất cả vị giác như được đánh thức nếu thưởng thức miếng gà vừa dai, vừa ngọt, quyện với vị xôi dẻo, béo bùi và nước chấm đặc trưng cheo boong có vị chua chua, cay cay...
Hòa vào cuộc sống dung dị, chan hòa của các dân tộc anh em ở Buôn Đôn, hơn 200 nhân khẩu là người Việt gốc Lào nơi đây luôn cần mẫn, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế và không quên gìn giữ truyền thống, những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong đó có ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc