Multimedia Đọc Báo in

Hãy xem việc xếp hàng như một thói quen

11:49, 06/10/2018

Từ lâu, việc xếp hàng ở nơi công cộng được xem là một nét văn hóa. Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn còn một số người xem việc xếp hàng là gây phiền phức, mất thời gian nên vẫn cố ý chen lấn trong khi mọi người đang đứng theo lề lối.

Mới đây, trong một lần đưa con đi khám bệnh ở một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, do lượng bệnh nhân đông, phòng khám đã in các số thứ tự, có chỗ cho bệnh nhân và người nhà ngồi chờ. Theo đó, khi đến số thứ tự sẽ có nhân viên bảo vệ gọi to để người bệnh biết vào phòng khám. Quan sát trong buổi khám hôm đó, tôi thấy hầu hết người bệnh đều cầm trên tay số thứ tự và chờ đến lượt gọi khám, trong đó có đến gần chục bệnh nhân chủ yếu trẻ em và phụ nữ mang thai; có những em bé sơ sinh được bố mẹ bế ngửa trên tay chờ đến lượt. Tuy nhiên, có một người phụ nữ trung niên ăn mặc lịch sự, lái xe “sang” đi xồng xộc vào phòng khám của bác sĩ mà không thèm bốc số, xếp hàng. Hành động đó của vị bệnh nhân nọ đã gây khó chịu cho tất cả những người bệnh đang chờ đến lượt khám của mình, ai ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.

1
Văn hóa xếp hàng là biểu hiện của xã hội công bằng, văn minh. Ảnh: Kênh 14.vn

Vẫn biết, trong cuộc sống thường ngày, có những trường hợp cấp bách, nếu trình bày rõ ràng để được thông cảm thì bất cứ ai cũng sẵn sàng nhường chỗ. Đáng nói là có người do ngại chờ đợi, không thích đứng xếp hàng nên cố tình “chen ngang” gây mất trật tự. Thậm chí đã có nhiều trường hợp một số người không tuân thủ việc xếp hàng mà cố tình chen lấn, xô đẩy dẫn đến xảy ra những hậu quả không mong muốn.

Từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, việc xếp hàng đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa nơi công cộng. Mong sao việc xếp hàng nơi đông người cũng trở thành thói quen ứng xử của mỗi người.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.