Multimedia Đọc Báo in

Nhớ món ngọn đậu quê nhà

08:42, 09/06/2019
Lên thành phố sinh sống, thi thoảng tôi được mẹ ở quê gửi lên cho vài thứ của nhà trồng lấy như ít rau khoai, rau tập tàng, bắp chuối, củ sắn hay rổ xoài chua... Lẫn lộn trong mớ rau, củ, quả ấy có bó ngọn đậu đen xanh tươi mơn mởn, lòng chợt ngỡ ngàng vì đã lâu lắm rồi mới lại nhìn thấy thứ rau quen thuộc này. 
 
Mang bó ngọn đậu rửa sạch, vo qua phần lá cho hơi mềm rồi bỏ vào nồi nước sôi đã cho sẵn ít muối hạt, chờ ngọn đậu chín hẳn thì vớt ra rổ, vắt ráo nước. Chỉ vài phút với thao tác đơn giản, tôi đã có ngay món ngọn đậu luộc nóng hổi chấm với nước mắm tỏi chua cay. Ngọn đậu ăn có vị bùi, ngọt, rất lạ miệng. 
 
Món ngọn đậu luộc chấm nước mắm dân dã.
Món ngọn đậu luộc chấm nước mắm dân dã.
Trước đây, ngọn đậu là món "cứu đói" cho người dân thôn quê khi củ khoai, đọt bí đã hết. Bởi nhà nào ở quê cũng hay trồng vài luống đậu đen để lấy hạt nấu chè. Cây đậu đen dễ trồng, chỉ cần gieo hạt xuống đất hơn một tháng đã phủ ngọn um tùm. Để cây đậu tập trung nuôi quả, các mẹ hay ngắt bớt đọt non, lá non.
 
Thấy ngọn đậu vừa non lại xanh tươi nên các mẹ mang về luộc ăn thử. Không ngờ, ngọn đậu nấu lên ăn rất ngọt, bùi. Từ đó, người dân thôn quê lại có thêm món rau mới làm thức ăn. Ngoài làm món luộc, còn có món xào ngọn đậu với tỏi. Cũng có thể đổi vị bằng cách nấu canh ngọn đậu với con cua, tép bắt ngoài đồng... Chính vì vậy mà ngọn đậu là món ăn thường có mặt trong những bữa cơm của người thôn quê những ngày khốn khó.
 
Từ ngày rời quê lên phố được thưởng thức nhiều món ăn ngon hấp dẫn, chỉ cần muốn ăn là có ngay khiến những món ngon dân dã ở quê chỉ là hoài niệm trong tôi. Vậy nên khi được thưởng thức lại món ngọn đậu luộc chấm nước mắm, tôi lại nhớ về tuổi thơ cơ hàn bên gia đình, để càng yêu thêm miền quê nghèo khó đã nuôi mình lớn khôn.
 
Thanh Thủy
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.