Multimedia Đọc Báo in

Đổi vị với món "nấm keo"

09:07, 17/11/2019

Sau vụ thu hoạch, những gốc keo đã cưa đốn gặp cơn mưa rừng bỗng mọc lên những tai nấm be bé trắng tinh. Từ đó mới có tên gọi “nấm keo” vì đơn giản nấm mọc trên thân, gốc cây keo.

Nấm keo rất nhỏ, chỉ mọc trong một thời gian nhất định vào mùa mưa, để lâu trên cây sẽ bị khô cứng, nên nấm cứ nhú lên là mọi người tranh thủ đi hái, phơi để dành ăn dần.

Người dân bản Hmông hái nấm keo.
Người dân bản Hmông hái nấm keo.

Tranh thủ buổi trưa, chị Nậm Thị Sinh (26 tuổi, dân tộc Hmông, thôn Ea Bra, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) mang chiếc chậu nhựa nhỏ rảo quanh các quả đồi, kiên nhẫn hái từng chiếc nấm bé tí trắng tinh bám quanh gốc cây keo lai, suốt buổi mới hái được hơn 2 lạng nấm tươi. Nhọc công hái nhưng bù lại, nấm mọc tự nhiên, sống nhờ sương gió và chất dinh dưỡng từ nhựa cây keo nên ăn rất ngon.

Không riêng chị Sinh mà hầu hết người dân bản Hmông ở đây đều thích món nấm keo bởi vị đắng pha ngọt giòn tự nhiên. Nấm hái về được ngâm rửa qua nước muối để loại bỏ tạp chất, độc tố, sau đó mới đem xào, trộn, nấu canh, nấu cháo... tùy ý. Những món đơn giản người dân hay nấu là: Nấm keo xào măng, xào thịt ba chỉ; nấm nấu canh mì tôm, rau ngót; ngọt nhất là nấm keo băm nhỏ bỏ vào nồi cháo xương heo đã ninh nhuyễn.

Món nấm “keo” xào.
Món nấm “keo” xào.

Chị Sinh cho biết: Nếu muốn thử vị nấm keo ngọt ngon giòn như thế nào thì phải ăn sống, nghĩa là làm gỏi. Nấm rửa sạch, để ráo nước rồi trộn với dầu phi thơm, gia vị mắm muối, ớt tiêu... là xong. Cứ vào mùa mưa, bữa cơm của người Hmông lại có thêm món nấm keo. Do nấm keo mọc ít, thu hái lại kỳ công nên người dân hái chỉ đủ ăn chứ không có để bán. Nấm keo vì thế trở thành món ngon, lạ, hiếm khi có dịp được thưởng thức.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.