Hấp dẫn món ngon từ tằm sắn
Tuy có vẻ bề ngoài khá đáng sợ vì giống sâu nhiều gai, nhưng tằm sắn là món ăn dễ "nghiện" nếu ai đã từng một lần thưởng thức.
Vào mùa này, tằm sắn được người dân huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) nuôi khá nhiều, chủ yếu tự cung tự cấp. Gọi là tằm sắn vì nguồn thức ăn chính của chúng là lá sắn. Thời điểm này, cây sắn (củ mì) vừa tới độ thu hoạch nên có thể lấy lá mà không lo ảnh hưởng đến củ.
Tằm được bà con nuôi trên nong, trung bình mỗi lứa mất khoảng 20 ngày chăm, khi tằm đã ngả màu vàng tươi là có thể thu hoạch. Theo kinh nghiệm dân gian, tằm sắn có rất nhiều tác dụng, đáng kể như: trừ phong trấn kinh, giải độc, đau họng, long đàm tán kết, lở ngứa. Không chỉ vậy, chúng còn tốt cho thận, dạ dày, ruột và thần kinh, chữa được chứng suy nhược, khó ngủ…
Những con tằm sắn mũm mĩm. |
Sơ chế món ăn này nên rửa qua nước lạnh, rồi rửa lại lần nữa bằng nước muối loãng để tằm nhả hết tơ. Vớt tằm để ráo nước, bật bếp liu riu và cho tằm lên chảo rang cho săn lại. Sau khi sơ chế có thể chiên, xào tùy thích. Với món xào, cần phi thơm một ít hành băm, rồi cho tằm lên đảo đều, nên dùng mỡ heo phi hành để món ăn thêm béo. Nêm một chút hạt nêm, muối, nước mắm và ớt, tằm sẽ dậy mùi thơm, tiếp tục đảo đều tay chừng 5 phút rồi cho thêm lá chanh thái nhỏ, hoặc lá lốt là hoàn thành món ăn này. Nếu chưa từng ăn, thì vị thơm, ngọt, béo, bùi của tằm sẽ khiến bạn khó từ chối.
Tại vùng Tuyên Hóa, bà con vẫn thường ăn tằm với lá vông. Họ chọn lấy lá non, rửa sạch, cuốn với con tằm đã được xào chín. Món ăn này không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng, mà còn có tác dụng chữa bệnh khó ngủ, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em còi cọc.
Không chỉ là món ăn khoái khẩu, tằm còn có giá trị kinh tế giá cao. Với giá bán tại chỗ khoảng 100.000 đồng/kg, tằm sắn đã giúp nhiều gia đình ở miền quê nghèo có thêm thu nhập .
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc