Multimedia Đọc Báo in

Chuyện Đông - Tây - Cuốn sách bí ẩn nhất thế giới thời Trung cổ

14:02, 27/08/2020
Cuốn sách Codex Gigas là một trong những sản phẩm tri thức của nhân loại có từ thời Trung cổ. Đây cũng là cuốn sách khổng lồ với kỷ lục về tiến độ: hoàn thành chỉ trong một đêm…
 
Nguồn gốc huyền thoại của Codex Gigas
 

Theo trang tin Ancient-origins (AON) của Ireland, Codex Gigas theo tiếng Latin có nghĩa “quyển sách khổng lồ” hay còn được gọi là “Kinh Thánh của quỷ” (Devil’s Bible) là bản thảo thời Trung cổ lớn nhất, kỳ lạ nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Sở dĩ có tên “Kinh Thánh của quỷ” là vì cuốn sách chứa một lượng lớn tranh minh họa liên quan đến ma quỷ và truyền thuyết xung quanh sự sáng tạo của nó. Sách được cho là đã viết vào đầu thế kỷ13 trong tu viện Benedictine của Podlažice tại Bohemia (nay là Cộng hòa Séc). Nó chứa Kinh Thánh Vulgate cũng như nhiều tài liệu lịch sử, tất cả đều được viết bằng tiếng Latin. Cuốn sách hiện được bảo quản tại Thư viện quốc gia Thụy Điển tại thủ đô Stockholm. 

Cuốn sách Codex Gigas vào năm 1906. (Thư viện quốc gia Thụy Điển)
Cuốn sách Codex Gigas vào năm 1906. (Thư viện quốc gia Thụy Điển)

 Codex Gigas có lẽ là một trong những bản thảo kỳ lạ, bí ẩn. Theo AON, Codex Gigas ra đời từ thế kỷ 13 hiện vẫn đang giữ kỷ lục về kích thước, dung lượng thông tin. Codex Gigas có kích thước khổng lồ, lớn đến mức phải mất hơn 160 tấm da động vật để làm giấy in, nặng đến mức phải cần có hai người mới nâng lên được. Cụ thể, cuốn sách cao 91 cm, rộng 50,5 cm và dày 22,86 cm, tổng trọng lượng 74,8 kg.

 
Theo truyền thuyết, Codex Gigas được tạo ra từ một hiệp ước với quỷ dữ (?!). Chuyện kể rằng, Codex Gigas là tác phẩm của một thầy tu tên Herman the Recluse, người đã bị kết án tử bằng cách sống trong bốn bức tường vì phá vỡ lời thề tu viện. Herman the Recluse đã thỏa thuận sẽ tạo ra một cuốn sách chứa đầy kiến thức của nhân loại nhằm đổi lấy cuộc sống cho riêng mình. Lời đề nghị của Herman the Recluse đã được chấp nhận, nhưng sự tự do của Herman the Recluse chỉ được chấp nhận nếu hoàn thành cuốn sách trong vòng một đêm. Thấy bản thân không thể hoàn thành công việc trong một đêm nên Herman the Recluse đã quyết định hợp tác với quỷ. Sau khi bán linh hồn, Herman the Recluse đã hoàn thành giao ước, sách được ra đời, Herman the Recluse thì được tự do.
 
Codex Gigas thực sự được tạo ra như thế nào?
 
Mặc dù câu chuyện về một hiệp ước với quỷ dữ chỉ là truyền thuyết nhưng phân tích về mức độ đồng nhất của văn bản Latinh cho thấy Codex Gigas được viết chỉ bằng một bản ghi chép. Người đó có thể không phải là Herman the Recluse mà là một tu sĩ thế kỷ 13 sống ở Bohemia, một phần của Cộng hòa Séc ngày nay.
 
Ban đầu, sách có 320 trang bằng da của 160 con lừa, nhưng lại bị xé mất 10 trang. Hiện sách chỉ còn 310 trang, 10 trang bị xé có nội dung gì, đến nay chưa ai rõ. Có giả thiết cho rằng, những trang bị xé nói về Quy tắc của Thánh Benedict (Rule of St. Benedict), hướng dẫn về cuộc sống tu sĩ trong thế kỷ thứ 6.
Codex Gigas chứa một bản dịch tiếng Latinh hoàn chỉnh của Kinh Thánh cũng như 5 văn bản quan trọng khác. Nó bắt đầu bằng Kinh Cựu Ước và tiếp tục đề cập tới “Cổ vật của người Do Thái” của tác giả Flavius Josephus (thế kỷ 1 sau Công nguyên); “Từ điển bách khoa Etymologiae” của Isidore ở Seville (thế kỷ thứ 6), một bộ sưu tập các tác phẩm y tế của Hippocrates, Theophilus và những người khác; Kinh Tân Ước và “Biên niên sử của Bohemia” của Cosmas of Prague (1050 sau Công nguyên), lịch sử đầu tiên của Bohemia. 
 
Các văn bản nhỏ hơn cũng được đề cập, gồm các bài viết về trừ tà, công thức ma thuật và lịch với một danh sách các vị thánh... Tóm lại, rất nhiều nội dung trong cuốn Codex Gigas không được tìm thấy trong bất kỳ văn tự cổ nào khác, như bách khoa thư thuộc các lĩnh vực lịch sử y học, thảo dược, cách trị bệnh nguy hiểm nhất, cách giải độc, các bài về phép thuật trừ tà…
 
Nguồn gốc thực sự của Codex Gigas vẫn chưa được biết đến. Trong ấn phẩm này, có một ghi chú nói rằng bản thảo đã được các nhà sư của Podlažice trong tu viện tại Sedlec đưa đi cầm đồ năm 1295. Từ đó, nó được để lại Břevnov gần Prague (Praha). Vì các tu viện gắn liền với lịch sử ra đời của Codex Gigas, nên giả thiết này được chấp nhận, tức nó đã được tạo ra ở Bohemia.
 
Sự tồn tại tiếp theo của Codex Gigas là khi Hoàng đế Rudolf II đưa nó đến lâu đài của ông ở Prague năm 1594. Tại đây, thành Prague bị người Thụy Điển bao vây vào cuối Cuộc chiến 35 năm vào năm 1648. Quân đội Thụy Điển cướp phá thành phố và tịch thu toàn bộ kho báu của Hoàng đế Rudolf II, trong đó có Codex Gigas, như là chiến lợi phẩm chiến tranh và chuyển đến Stockholm. Năm 1877, Codex Gigas trở thành một phần của bộ sưu tập Thư viện quốc gia Thụy Điển ở Stockholm. Đến tháng 9-2007, sau 359 năm xa cách, Codex Gigas trở lại cố hương Prague và được trưng bày tại Thư viện quốc gia Séc. Năm 2009, Codex Gigas lại được đưa trở lại Thư viện quốc gia Thụy Điển và nằm yên ở đó cho đến nay.
 
Nguyễn Duy (Dịch từ ENC/AON- 6/2020)
 
 

Ý kiến bạn đọc