Multimedia Đọc Báo in

Đậm đà… mắm đu đủ

08:16, 20/12/2020

Có thể đối với nhiều người mắm đu đủ chẳng có gì ngon để mà ăn, mà nhớ thương. Nhưng với tôi, đó là món một thời gắn bó với tuổi thơ trong những ngày mưa bão.

Trong ký ức của tôi, bình yên nhất là khoảnh khắc ngồi cùng má làm mắm đu đủ trong chái bếp nhỏ mặc cho gió bão rầm rì qua tán cây ngoài vườn. Những hũ mắm đu đủ ngày ấy có thể trữ được cả tháng và chẳng mâm cơm nào má tôi “quên”, dẫu đám trẻ con đã ngán nhưng má vẫn cứ hoài xuýt xoa “Càng ăn càng đậm đà, thấm thía”!

Quê tôi ngày đó, vườn nhà ai cũng trồng đu đủ, chúng đứng cạnh đám môn, mã đề, lá lốt, rau răm hệt một chiếc ô xanh mát. Nhiều nhà còn trồng cả vườn đu đủ. Trong lúc đu đủ cái thấp lè tè, trái lúc nhúc nặng trịch thì đu đủ đực được nhẹ mình bởi chỉ “đèo” vài nhành hoa màu trắng sữa. Đu đủ không chỉ là món quà vặt của chúng tôi mỗi khi đói lòng mà còn là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất cho cả gia đình. Mười mấy năm tuổi thơ, không biết bao lần thưởng thức các món từ đu đủ nên mỗi lần đi chợ, ngang qua gánh đu đủ nghe lời mời của cô bán hàng là cứ sượng sùng bỏ qua bởi nhà có nhiều rồi.

Thật ra, món tôi ghiền nhất từ đu đủ là đu đủ má trộn. Chao ôi đu đủ má trộn từng sợi màu vàng đều tăm tắp bên cạnh sắc trắng tai heo cùng màu xanh rau húng, điểm xuyến thêm vài quả ớt đó, mới chừng đó thôi đã làm tôi khâm phục đôi bàn tay khéo léo của má. Tuy nhiên, đu đủ trộn vốn là món xa xỉ, thi thoảng có tai heo má mới làm. Riêng mắm đu đủ thường trực xuất hiện trong ngày mưa bão bởi mỗi lần gió bão siết qua là những cây đu đủ trĩu quả thân rỗng không trụ nổi cứ thế ngã nhào dù được ba má chèo chống. Tôi nhớ lần về quê gần đây nhất, trúng ngày bão đến. Bao năm rồi ngôi nhà ba gian của gia đình tôi vẫn nằm lặng im bên mảnh vườn xanh lá. Tôi bám theo má, ra đến tận gốc đu đủ. Với tay bẻ những quả đu đủ lớn nhất, má nói: “Qua trận bão những trái đu đủ này sợ sẽ không còn, con về thật đúng lúc”. Má chọn những quả đu đủ to nhất, ươm vàng làm mắm, bảo tôi mang ra phố biếu người quen.

Mắm đu đủ rất dễ làm nhưng phải tỉ mỉ. Má dùng dao khứa nhẹ lên quả đu đủ cho ra hết nhựa rồi rửa sạch bằng nước. Sau đó, bào sạch vỏ và thái miếng vuông mỏng vừa phải. Cho đu đủ vào một thau lớn, đổ ít muối hạt vào và dùng tay bóp đều. Để 30 phút cho muối ngấm. Tiếp tục thêm vào bát đu đủ chén nước rồi dùng đũa đảo đều, đổ đu đủ ra rổ cho ráo nước. Má còn dùng miếng vải mỏng hay vải màn đùm đu đủ rồi vắt hết nước. Xếp đu đủ ra khay hoặc mâm phơi nắng khoảng 1 ngày. Công đoạn cuối cùng là nấu nước đường. Cho một lượng đường tán và nước mắm theo tỷ lệ phù hợp vào nồi đun đến khi nước đường ngả màu nâu. Sau đó tắt bếp rồi để nguội, cho đu đủ đã phơi vào nồi nước đường đảo thật đều tay. Thêm ớt đỏ đã rửa sạch, bỏ cuống, thái lát. Lần lượt chia mắm đu đủ vào những hũ nhỏ, để dành ăn dần. Mắm đu đủ ngon đạt chuẩn là phải có độ giòn, nhai nghe tiếng rạo rạo trong miệng rất đã, có vị mặn nhưng không mặn chát và có chút vị cay xè của ớt, thơm thoang thoảng của tỏi là ngon.

Ngày về quê thăm ba má lại trúng ngày mưa bão, lâu rồi mới thưởng thức bữa ăn chỉ là nồi cơm độn từng lát khoai lang phơi khô kèm với mắm. Như chưa từng được thưởng thức, tôi ăn đến no căng cả bụng mà không để ý đến nụ cười hạnh phúc đọng trên môi của ba mẹ. Thế mới biết, giữa cuộc sống đủ đầy, bữa cơm cá thịt ê hề nhưng những món xưa dân dã vẫn còn nguyên vị mặn mà, thân thương.

Thanh Ly


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.