Multimedia Đọc Báo in

VỀ EA UY (KRÔNG PAK): Lênh đênh một chuyến đò ngang

09:57, 03/11/2010

Đoạn sông nước đục, dài khoảng 300 mét, chảy ngang qua địa bàn xã Ea Uy, huyện Krông Pak, từ lâu luôn là nỗi ám ảnh cho cuộc sống của người dân nơi đây, không chỉ trong mùa mưa lũ mà ngay cả những ngày nắng cũng lênh đênh chỉ một con đò…

Cả xã chung một con đò
Ea Uy là một trong những xã còn nhiều khó khăn, toàn xã có 1.308 hộ dân (sinh sống tại 10 thôn buôn), trong đó có 423 hộ nghèo. Do đất đai cằn cỗi, diện tích vườn đồi khó canh tác, nên kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào cây lúa nước, bắp, mì. Hằng năm, nơi đây còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ lũ lụt, thiên tai gây thất bát mùa màng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Chưa kể, do địa bàn xã rộng, hiểm trở, nên giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sự chia cắt giữa 3 thôn 8, 11, 14 với 7 thôn, buôn khác trong xã bởi một con sông chảy ngang qua xã, có độ sâu trung bình khoảng 3m, đoạn rộng nhất từ 40- 55m, nước luôn chảy xiết và đục ngầu nên gọi là sông nước đục. Tuy hàng năm phục vụ nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha lúa, bắp và rau màu các loại, song, sông nước đục cũng chính là tác nhân khiến cho việc giao thương của người dân nơi đây gặp nhiều phiền toái. Bởi con đường độc đạo nối liền 3 thôn phía Tây (8, 11, 14) với các thôn, buôn khác và trung tâm xã (nơi tập trung các trường học, Trạm y tế… và dẫn ra thị trấn Phước An) đều phải qua khúc sông xưa nay chưa hề có cầu này. Một chiếc thuyền mộc cũ kỹ ngày ngày chở khách mà không cần mái chèo, mỗi lần vượt sông, người chèo đò phải vịn vào sợi dây thừng được nối sẵn hai bên bờ để kéo thuyền. Khách qua sông phải trả 5.000 đồng/lượt, chưa kể nếu có hàng hóa và xe cộ cũng phải mất thêm chi phí. Chị Vi Thị Yến, người chèo đò ở đây cho biết, đã hành nghề được hơn 2 năm, do bố truyền lại. Ngày thường chị chở khoảng 40 - 50 lượt người qua sông (nếu trời mưa thì nghỉ), phần đông là những thương lái vận chuyển hàng nông sản bằng phương tiện xe máy ở các thôn phía Tây ra huyện bán. Từ những bất cập trong chuyện sông đò cách trở, nên mọi giao lưu sinh hoạt, chợ búa đến việc học hành của con em trong 3 thôn trên, đều phải qua xã Vụ Bổn. Anh Phạm Văn Công, thôn 8 bộc bạch: “Mặc dù xã mình cũng có trường cấp I, II đầy đủ, nhưng, để con em mình ngày ngày phải đi đò qua sông đến lớp vừa tốn kém, mà không phụ huynh nào yên tâm. Cả khách lẫn người chèo đò không ai mặc áo phao hay có một dụng cụ bảo vệ nào, không ít lần con đò gặp nạn trên khúc sông này, tuy chưa có trường hợp tử vong, nhưng thiệt hại về tài sản là không ít”.

Đò ngang ngày ngày chở khách qua sông nước đục.
Đò ngang ngày ngày chở khách qua sông nước đục.

Và nỗi lo trước mùa mưa
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa mưa, mọi hoạt động của người dân xã Ea Uy lại trở nên bận rộn hơn, như tranh thủ thu hoạch mùa màng tránh lũ, hay chuẩn bị thuyền bè đi lại phòng khi nước dâng. Đặc biệt, đối với bà con ở 3 thôn 8, 11,14, lại càng phải tất bật chuẩn bị đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm như mì tôm, cá khô, đến dầu đèn, nước uống… cho cả tháng ròng. Bởi khi mùa mưa lũ đến, thì đò ngang không hoạt động được, tuyến đường duy nhất qua trung tâm xã Ea Uy bị cắt đứt, hướng đi ra xã Vụ Bổn phải qua 2 cây cầu là cầu 15 và Ea Kuăng (hiện cũng đã xuống cấp rất nguy hiểm cho người qua lại khi lũ xảy đến), theo đó, biến vùng đất 3 thôn này thành một ốc đảo, tách biệt hẳn với bên ngoài. Chưa kể, ngày nắng, mỗi khi muốn qua đò, người dân hai bên sông cũng phải vượt một chặng đường dài khoảng 10 km (là bãi đất gồ ghề, đầy bụi bẩn), còn khi mưa xuống, nước sông dâng cao, khiến bãi đất trũng ấy trở nên ngồn ngộn nước, người dân chỉ còn biết ngồi chờ cho lũ rút mới dám ra ngoài. Anh Đinh Văn Hiền, thôn 14 cho hay, mặc dù nhà anh được cơi thêm nền cao hơn so với các gia đình bên cạnh chừng nửa mét, nhưng mưa lũ năm nào nước cũng dâng đến tận mép giường. Lòng sông hẹp, dốc, lưu lượng dòng chảy quanh năm lớn, nhất là khi mùa mưa lũ đến, nên thường gây ra tình trạng sạt lở đất đe dọa cuộc sống của người dân, nhiều diện tích hoa màu hai bên bờ sông của người dân cũng bị cuốn trôi theo dòng nước. Trước những thiệt hại đó, hằng năm, chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp khắc phục như vận động bà con trồng cây ngắn ngày để thu hoạch trước mưa lũ; tăng cường mua sắm thêm thuyền bè, phao cứu sinh… để ứng cứu khi mưa lũ đến. Ông Lê Kỷ, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết, tình trạng bão lũ hằng năm là không tránh khỏi, nên địa phương luôn khuyến cáo bà con sớm có những biện pháp phòng chống, trước hết phải tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó xã còn huy động thuyền bè, cứu hộ đến tận thôn buôn, nhất là đối với 3 thôn bị tách biệt để kịp thời ứng cứu nhân dân mỗi khi nước lũ dâng cao.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của dân trong mưa lũ, Chính quyền địa phương cần có những giải pháp như mở các lớp tập huấn  hướng dẫn tại chỗ cho người dân cách phòng chống lũ lụt hiệu quả nhất, nhưng quan trọng hơn là sớm xây dựng cho người dân nơi đây một cây cầu vững chắc.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc