Đua nhau chiếm đất rừng dự án!
Tại huyện Ea Súp, nhiều doanh nghiệp được giao thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất dự án vì bị người dân địa phương và cả người dân di cư tự do đua nhau xâm chiếm…
Đua nhau chiếm đất dự án
Ngày 7-7-2009, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy (TP. Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh giao 69 ha đất tại tiểu khu 248 và 264 ở xã Ea Lê (Ea Súp) để trồng rừng, trồng cao su. Tuy nhiên trên diện tích này đã có khoảng 200 ha đất bị người dân địa phương xâm chiếm. Ông Trương Đình Sỹ, Giám đốc Công ty Gia Huy cho biết: “Công ty đã thống kê được khoảng 200 ha đất canh tác của 68 hộ dân xã Ea Lê và thị trấn Ea Súp lấn chiếm trong vùng dự án. Nhưng hiện nay, công ty mới hỗ trợ 41 hộ với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trên diện tích khoảng 140 ha. Những diện tích còn lại chưa hỗ trợ được vì người dân không chịu đến nhận và họ kê khai diện tích lớn hơn thực tế”. Trong thời gian qua, những hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ đã lôi kéo người quen tiếp tục lấn chiếm đất của Công ty Xây dựng Gia Huy. Không những thế, có khoảng 15 hộ còn chặt phá, lấn chiếm đất rừng trong vùng dự án của công ty.
Ông Đặng Phú Bình, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Lê lý giải: “Những hộ dân đang lấn chiếm đất của Công ty Xây dựng Gia Huy đa phần là dân di cư tự do mới đến cư ngụ tại xã thiếu đất sản xuất. Họ lôi kéo đông người đưa máy cày vào cày xới đất của công ty và nếu bắt gặp bảo vệ công ty, họ thường chống trả rất quyết liệt. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ công ty lại mỏng nên thường bị người dân lấn át”. Cũng theo ông Bình, có một số hộ không thiếu đất nhưng vẫn vào mua đất của những người dân đi xâm canh bán lại kiếm lời hoặc để hưởng tiền đền bù của công ty. Năm 2007, khi Công ty Xây dựng Gia Huy đang tiến hành khảo sát dự án tại tiểu khu 248 và 264, ông Nguyễn Văn Hường (ở thị trấn Ea Súp) đã mua 7 ha đất trong vùng dự án của bà Hoàng Thị Tuyên, ông Triệu Văn Nái và ông Triệu Văn Dũng (giá khoảng 20 triệu đồng/ha) để chờ hỗ trợ công khai hoang. Khi Công ty Gia Huy hỗ trợ công khai hoang cho những người dân có đất xâm canh, ông Hường chỉ có giấy viết tay mua bán nên phải nhờ bà Tuyên, ông Nái và ông Dũng nhận giùm. Còn 14 hộ dân ở buôn C (thị trấn Ea Súp), mỗi hộ chỉ có 1 ha nhưng khai báo hơn 10 ha và ép công ty phải đền bù từng đó mới chịu nhận…
Người dân vào chặt phá rừng tại dự án của Công ty Xây dựng Gia Huy. |
Hành hung cán bộ xã
Cuộc chiến tranh chấp đất rừng giữa doanh nghiệp và người dân tại Công ty Xây dựng Gia Huy lên đỉnh điểm vào ngày 29-4-2011 khi cả bảo vệ công ty lẫn cán bộ xã Ea Lê đều bị hành hung.
Anh Lê Văn Công, cán bộ địa chính xã Ea Lê kể lại: Vào lúc 14 giờ ngày 29-4, xã nhận được tin báo có 2 chiếc máy cày của người dân đang xâm chiếm đất Công ty Xây dựng Gia Huy tại tiểu khu 248. Xã đã cử anh Công, anh Trần Văn Cảnh (Phó Công an xã), anh Lê Thế Đương (Xã đội phó) và anh Trần Văn Dũng (cán bộ xã) vào phối hợp với 2 người của công ty là anh Đặng Công Chúc và anh Đặng Văn Khoa đi kiểm tra. Phát hiện 2 xe máy cày của người dân đang cày xới trên mảnh đất rừng vừa chặt dọn sạch cây, các anh đã gọi 2 tài xế xuống xe làm việc. Nhưng bất ngờ, ông Nguyễn Văn Sơn (ở thôn 13) đã kéo khoảng 30 người dân thôn 13, 14 và 18 đến trấn áp anh Công và anh Cảnh. Ông Sơn leo lên máy cày rú ga chạy, còn người dân lao vào đánh đoàn cán bộ xã và người của công ty. Họ lấy dao rượt đuổi anh Công và một số cán bộ xã, rồi sau đó đập nát xe máy của anh Công. Anh Công phải điện báo xã “xin rút quân ra khỏi rừng”. Sau đó, những người nói trên tiếp tục kéo đến trụ sở công ty gây áp lực và cử người bảo vệ xe máy cày khai hoang khoảng 20 ha đất rừng của đơn vị này!
Theo ông Trương Đình Sỹ, tình trạng người dân tập hợp thành đám đông kéo đến gây áp lực với công ty xảy ra thường xuyên. Họ rất hung dữ, trong khi lực lượng bảo vệ của công ty lại mỏng nên thường bị lép vế. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án, có người dân đã đến thẳng trụ sở công ty đe dọa. Ông Sỹ kể lại: “Vào lúc 9 giờ 30 ngày 13-9-2009, trong khi công nhân công ty đang trồng cao su, thì có 2 người dân địa phương là Lương Trung Kiên và Trần Quang Anh đến gây sự. Họ hùng hổ cầm rựa đe dọa chém công nhân nếu còn tiếp tục trồng cao su. Lương Trung Kiên còn hung hăng nhảy vào nhổ cao su mới trồng và hù dọa sẽ kéo người vào nhổ hết cao su của công ty”. Trước đó, vào ngày 1-9-2009, Lương Trung Kiên cũng lôi kéo người dân vào đe dọa giết công nhân công ty và chặn xe chở giống của công ty.
Gỗ rừng ở huyện Ea Súp bị người dân chặt phá không thương tiếc để chiếm đất các dự án trồng rừng, trồng cao su |
Vì đâu nên nỗi?
Hầu hết trong số 20 dự án được giao đất cho doanh nghiệp trồng rừng và trồng cao su ở huyện Ea Súp với tổng diện tích hơn 16.784 ha đều bị người dân xâm canh trái phép. Nhưng mới chỉ có 3 xã thống kê xong diện tích đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh gồm: xã Ia J’lơi có 29,8 ha, xã Ea Lê 195,6 ha và xã Ia Lốp 200 ha. UBND huyện Ea Súp cho biết, tính đến tháng 7-2011, tổng diện tích rừng bị phá trên địa bàn huyện đã lên tới hơn 1.820 ha; trong đó, điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng là các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Cư K’bang, Ea Rốc, Ea Bung… Lý giải nguyên nhân rừng bị lấn chiếm và bị phá, ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho rằng: “Các doanh nghiệp sau khi được nhận quản lý bảo vệ rừng chưa xây dựng được đội ngũ bảo vệ rừng của đơn vị, chậm triển khai dự án. Do đó, một số công ty để rừng bị phá, không bảo vệ được, xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng với người dân”.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phú Bình, việc người dân lấn chiếm, phá rừng trái phép tại các dự án trồng rừng, trồng cao su là do họ thiếu đất trong khi doanh nghiệp được giao quá nhiều đất. Khi dự án của doanh nghiệp bắt đầu khảo sát, người dân lo sợ mất hết đất sản xuất nên đã nhảy vào xâm chiếm đất các dự án. Tại xã Ea Lê, khi Công ty Xây dựng Gia Huy được phép khảo sát tiểu khu 248 và 264 vào năm 2007 thì người dân mới bắt đầu vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng; còn từ năm 2000 - 2007, khi xã Ea Lê được giao quản lý 2 tiểu khu này, rừng không hề bị phá. “Năm 2001, UBND xã cũng đã làm tờ trình gửi huyện đề nghị cho chuyển đổi đất lâm nghiệp tiểu khu 248 và 264 sang đất nông nghiệp để người dân thôn 13, 14 và 18 lấy đất sản xuất vì họ chỉ có đất trồng lúa một vụ. Nhưng không hiểu sao, huyện không đồng ý và sau đó tỉnh giao cho Công ty Xây dựng Gia Huy”, ông Bình thắc mắc.
Như vậy, việc tranh chấp đất rừng giữa người dân với doanh nghiệp ở huyện Ea Súp là có nguyên nhân sâu xa, cho thấy cần phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong việc giao đất, giao rừng.
Ý kiến bạn đọc