Multimedia Đọc Báo in

Ngày hè - sân chơi nào cho em? (Kỳ 1)

09:26, 15/08/2011

Một năm học mới lại chuẩn bị bắt đầu. Nhìn lại một mùa hè năm nay và có lẽ cả nhiều năm trước nữa, rất nhiều em nhỏ đã không có những ngày hè nghỉ ngơi, vui chơi thực sự bởi nhiều lý do: thiếu sân chơi kèm theo đó là biết bao hệ lụy và cả áp lực học tập ngay trong những ngày hè.

Kỳ 1: Ngày hè phố thị

Guồng quay của phố thị, của tốc độ đô thị hóa, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng hạn hẹp, thêm vào đó vẫn còn thiếu, chưa phong phú những sân chơi cho trẻ đã khiến ngày hè của trẻ em thành thị cũng còn nhiều chuyện phải bàn…

Cứ mỗi dịp hè, nhiều gia đình lên kế hoạch cho con em mình về quê sống với ông bà hoặc họ hàng, người thân; có em cùng cha mẹ đi tham quan, du lịch; có em được gửi tham gia các câu lạc bộ ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các lớp nghệ thuật của nhà văn hóa thiếu nhi... Dù với hình thức nào, mục đích cuối cùng cũng là tạo ra cho các em một kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những lớp học thêm, những trò chơi điện tử… trở thành lựa chọn của không ít gia đình, không ít các em khi sân chơi hạn chế.

Ảnh bên: Quảng trường 10-3 là một trong những điểm thu hút nhiều trẻ em đến vui chơi trong dịp hè.
Quảng trường 10-3 là một trong những điểm thu hút nhiều trẻ em đến vui chơi trong dịp hè.
Từ nhà văn hóa ra đến quảng trường
Có thể xem địa điểm sinh hoạt thu hút nhiều thanh thiếu nhi nhất hiện nay là Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi (VHTTN) tỉnh với nhiều môn học năng khiếu bổ ích như hát múa, tập võ, khiêu vũ, bóng bàn… Tính từ đầu hè đến nay, khu vui chơi giải trí trong khuôn viên của Nhà VHTTN tỉnh đã đón 60.464 lượt người vào tham quan và vui chơi (riêng ngày 1-6 là (17.473 lượt). Trong dịp hè, Nhà VHTTN tỉnh phối hợp với Trung tâm chiếu bóng và phát hành phim Dak Lak tổ chức cho các em những buổi xem phim miễn phí tại Rạp Kim Đồng vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, đã thu hút trên 2.000 lượt em đến xem phim. Hiện Nhà VHTTN tỉnh  tổ chức và duy trì 22 loại hình câu lạc bộ đội nhóm sinh hoạt.  Điều đáng chú ý là ngay trong những ngày hè, hầu hết các chương trình dạy, vui chơi của Nhà VHTTN tỉnh chủ yếu chỉ diễn ra vào tầm chiều tối, riêng ban ngày thì gần như chỉ lèo tèo vài hoạt động. Đó là chưa kể đến việc thiếu hoặc hầu như không có các trò chơi đòi hỏi có sự vận động, tư duy, huấn luyện kỹ năng giao tiếp… Như vậy phần nào đã khuyết đi những chương trình hay của thiếu nhi.

Ngoài ra còn một thú vui khác không thể thiếu trong những ngày này tại TP. Buôn Ma Thuột chính là ra quảng trường vui chơi và thả diều. Cứ tầm 15 giờ hằng ngày tại Quảng trường 10-3, nhiều gia đình lại đưa con ra ngồi hóng mát, uống nước mía còn lũ trẻ thì say sưa với những con diều đầy màu sắc tung tung bay trên bầu trời. Đây là điểm nhấn đẹp trong những ngày hè ở phố núi Ban Mê này.

Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh than phiền rằng, muốn đưa con đi chơi, đi dạo cũng chẳng biết đi đâu, cứ quanh quẩn hết nhà văn hóa lại ra quảng trường.

Vùi đầu vào những lớp học thêm
Ngay từ khi mới kết thúc năm học, nhiều học sinh đã cảm thấy áp lực  đè nặng khi mà nhiều ông bố, bà mẹ đã sắp xếp thời gian biểu học thêm dày đặc cho con trong những ngày hè. Em Hiếu, nhà ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mới nghỉ hè được 2 tuần, mẹ đã chuẩn bị cho em đi học thêm với lý do ôn tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Hải phàn nàn: “Mùa hè này, em chưa đi chơi được đâu, trừ hai buổi đi diều với bạn trong cùng khu phố”. Hay như bé Hà, nhà ở phường Tự An, mới được về nhà ông nội ở Quảng Ngãi chơi đầy 3 tuần đã bị bố mẹ “lôi” về và đăng ký vào lớp học thêm. Chúng tôi chứng kiến không đủ sức để đi sau những ca học dày đặc, em Võ Nguyễn Huỳnh, phường Tân Hòa phải bò lên cầu thang. Nghe em liệt kê lịch học trong ngày chúng tôi thực sự choáng: sáng 8 giờ 30 đến 10 giờ học thêm Toán, chiều 1 giờ 30 đến 3 giờ học thêm Văn, 3 giờ đến 4 giờ học bơi, 5 giờ đến 7 giờ học thêm tiếng Anh tại nhà. Quá mệt nên đến khi gia sư tiếng Anh đến dạy Huỳnh phải vừa nằm… vừa học. Tất cả lý do các bậc phụ huynh đẩy con mình rơi vào áp lực học thêm trong những ngày hè chính là tâm lý sợ con em mình không theo kịp bạn bè, phải học trước chương trình mới yên tâm khi vào năm học mới. Và tất nhiên cũng không loại trừ lý do là để quản lý con cái, không để lêu lổng…

Nắm bắt được nhu cầu đó, ngay từ đầu hè các trung tâm ngoại ngữ trên đường Lê Duẩn, Lê Hồng Phong… như Việt – Mỹ, Anh – Mỹ đã liên tục khai giảng các khóa học mới. Các lớp học thêm do giáo viên mở tại nhà thì mọc lên nhan nhản ngay khi mới nghỉ hè, mà các chương trình học thêm thì hầu như không có gì mới ngoại trừ một nội dung: học trước chương trình.

Nhiều em vùi những ngày hè của mình vào các trò chơi game online tại các quán net.
Nhiều em vùi những ngày hè của mình vào các trò chơi game online tại các quán net.
Cùng game online
Những ngày hè, các quán net với game online được dịp hoạt động rầm rộ và đông khách hơn so với bình thường. Vào quán net trên đường Quang Trung, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú, Phan Bội Châu… không khó bắt gặp những gương mặt còn trẻ măng đang dán mắt vào các trò chơi bắn giết với mức độ không tưởng như CF, AVA… Nam thì chơi các trò chơi mang tính hành động như: CS, AVA, Dota, còn các bạn gái thì mỹ miều hơn khi tham gia các trò như Audition, … Và còn nhiều trò chơi thu hút cả nam và nữ như: Tru tiên, Kiếm tiên, Kiếm thế…Cao tay, đẳng cấp hơn là việc thành lập các bang hội, clan, diễn đàn… của các nhóm chơi tạo thành một cộng đồng chơi game. Đáp ứng thị hiếu của các “thượng đế nhí” nhiều trò chơi trên mạng mới lại liên tục ra mắt với nhiều hình thức khuyến mãi, thu hút người chơi.

Ngày hè cũng là dịp để nhiều quán net chọn làm thời điểm khai trương với cách khuyến mãi đậm chất “thuê bao”: Quán mới khai trương, chơi 2 giờ tặng 1 giờ, 2000 đồng/giờ… và đáp ứng lại là không ít “cao thủ võ lâm”, lẫn các “chiến sĩ cảnh sát, cướp có vũ trang”… tham gia đồ sát, công thành, đấu đội bắn giết, la hét ỏm tỏi... Khi được hỏi tại sao đã có quy định nhưng nhiều trò chơi vẫn thấy trẻ dưới 15 tuổi vào chơi thì hầu hết các chủ quán net đều trả lời thiếu trách nhiệm rằng: “Họ cài game trong máy, ai muốn chơi gì thì chơi, cấm thì tụi trẻ nó lại sang quán khác, mất khách”(!).

Nhóm PV

Kỳ 2: Trẻ em nông thôn cũng “nghèo” vui chơi


Ý kiến bạn đọc