Multimedia Đọc Báo in

Ngày hè – sân chơi nào cho em ? (Tiếp theo - Kỳ 2)

07:45, 16/08/2011
Kỳ 2: Trẻ em nông thôn cũng “nghèo” vui chơi

Theo cách tiếp cận đa chiều, cái “nghèo” của trẻ em được ngành Lao động – Thương binh  và Xã hội chỉ ra ở nhiều góc độ: nghèo về dinh dưỡng, nghèo về chăm sóc, nghèo về giáo dục, nghèo về nhà ở, nghèo về nước sạch, nghèo về vui chơi giải trí và bảo trợ xã hội. Những cái nghèo ấy trẻ em vùng nông thôn phải chịu thiệt thòi hơn cả. Riêng nghèo về vui chơi giải trí được thể hiện rõ nét trong chính những kỳ nghỉ hè.

Ngày nào chẳng chơi...
Nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi hè này con họ chơi ở đâu thì họ vô tư trả lời rằng ngày nào chúng chẳng chơi bởi cứ nghỉ học có nghĩa là chơi. Một điều dễ nhận thấy khi đến các vùng nông thôn hiện nay gần như vắng bóng sân chơi đúng nghĩa dành riêng cho trẻ em. Nhà văn hóa thì ở trung tâm huyện, trò chơi thì nghèo nàn, cha mẹ tất tả với ruộng đồng thời gian đâu mà đưa con đi chơi. Vì thiếu điểm vui chơi với những trò chơi phù hợp, nên nhiều em đã chọn các tiệm Internet rồi trở thành con nghiện của trò chơi điện tử. Nhưng không phải em nhỏ nào cũng có tiền để lang thang ở tiệm net, thế nên các em đành phải tụm năm, tụm ba chơi ngay tại ngã ba đầu buôn làng, hay ở một bụi cây bóng mát, rồi chơi ở ven đường quốc lộ chạy qua thôn... Và nhiều nhất – cũng là nguy hiểm nhất là rủ nhau đi tắm sông tắm suối.
Cũng lường trước được thời gian hè rảnh rỗi, lại không có điểm vui chơi giải trí, thế nên chỉ sau 1 tuần xả hơi khi kết thúc năm học, nhiều bậc phụ huynh đã chọn biện pháp quản lý và cho con vui chơi theo cách riêng của mình. Gia đình khá giả một chút thì cho con tiếp tục "học kỳ 3", gia đình khó khăn hơn thì lũ trẻ phải theo cha mẹ lên nương lên rẫy, làm cỏ, bỏ phân, chăn con trâu con bò, vừa an toàn lại phụ giúp được công việc cho gia đình. Vừa chơi, vừa làm, nhiều em đi chăn trâu, đầu trần, chân đất dưới cái nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại nhưng chúng vẫn thật hồn nhiên, ngây thơ. Với chị em Vi Thị Lan, Vi Thị Mai (thôn 8, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak), hè về thật vui vì không vướng bận chuyện bài vở lại còn được vui chơi thỏa sức trên những đồng cỏ xanh mướt. Hè này, mẹ giao cho hai chị em chăm sóc 4 con bò của gia đình. Cứ thế vừa chăn bò vừa bày trò tự chơi với nhau và kết thúc trò chơi cũng là lúc ai thua phải đi tìm trâu, dắt trâu về cho cả nhóm… Từ trước đến nay đều thế cả, chẳng thấy ai đi học hè bao giờ. Ngày hè của Y Lâm, một học sinh lớp 4 ở huyện Krông Ana lại là những buổi trầm mình giữa bàu sen nằm giáp ranh giữa hai huyện Lak và Krông Ana. Y Lâm cho hay, từ ngày nghỉ học ở trường đến nay, hằng ngày em phải lội khắp bàu sen để hái hoa cho mẹ ra chợ bán. Em hồn nhiên, đi hái sen vừa được thỏa sức chơi đùa dưới làn nước vừa giúp mẹ có thêm tiền mua sách vở cho mấy anh em đến trường vào năm học mới. Khi được hỏi về các trò chơi khác, Y Lâm hồn nhiên: “Thỉnh thoảng cháu với mấy đứa bạn phải lén ra sông bơi lặn vì mẹ cháu không cho, sợ chết đuối. Cháu chỉ ước có sân chơi rộng, đẹp như ở thành phố”.

Kỳ 3: Những con số biết nói Trẻ em nông thôn thích thú với những hoạt động sinh hoạt hè do các anh chị đoàn viên thanh niên tổ chức.
Trẻ em nông thôn thích thú với những hoạt động sinh hoạt hè do các anh chị đoàn viên thanh niên tổ chức.
Có nhưng chưa “thấm”
Trăn trở với việc tạo cho các em có sân chơi mỗi dịp hè về, nhiều địa phương đã có những sáng kiến tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí trên địa bàn. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Ana cho biết, ngành Giáo dục đã phối hợp với Hội đồng Đội huyện tổ chức sinh hoạt hè theo cụm, giúp các em thiếu nhi được sinh hoạt tập thể mà không cần phải đến Trung tâm văn hóa huyện; mở tất cả các thư viện, phòng đọc sách tại các trường học trên địa bàn đồng thời có giáo viên trực thường xuyên để hướng dẫn các em. Tại các địa phương khác trong tỉnh cũng đều tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, các trò chơi dân gian, các giải bóng đá nhi đồng, tổ chức ôn tập hè, xóa mù chữ, các đêm hội diễn văn nghệ phục vụ thiếu nhi…Tuy nhiên những nỗ lực trên chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của trẻ. Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar, anh Nguyễn Văn Hải thừa nhận, những cố gắng đó chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vui chơi của trẻ. Sân chơi cho trẻ phải là những thứ vừa giúp các em chơi, vừa giúp các em học. Đó là sách báo, văn hóa phẩm, các dụng cụ, đồ chơi trí tuệ... Tuy nhiên những "đồ chơi” này rất thiếu với trẻ em nông thôn, miền núi. Các nhà văn hóa hay thư viện ở nông thôn hầu như không có sách báo hoặc nếu có thì cũng chỉ là những đầu sách báo cũ. Một vài nơi có đầy đủ hơn thì cũng chỉ được mở cửa vào những thời điểm hiếm hoi. Theo anh Hải, hiện nay quỹ đất dành cho hoạt động vui chơi của trẻ em còn hạn chế, kinh phí hoạt động eo hẹp. Căn cứ mức hỗ trợ đã được UBND tỉnh duyệt cách đây hơn 10 năm, theo đó mỗi xã được hỗ trợ 1 triệu đồng, xã vùng III là 1,5 triệu đồng. Vì vậy dù đã huy động nhiều thành phần xã hội tham gia vào vấn đề này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng trong vấn đề này. Rất nhiều phụ huynh khi được hỏi về việc chăm sóc con cái khi được nghỉ hè đều chung một câu trả lời: gia đình làm nghề nông nên thường để con cái tự chơi, hoặc đứa lớn trông đứa bé chứ cha mẹ không thể giữ con mãi được.

Nhóm PV
Kỳ 3: Những con số biết nói
[links()]

Ý kiến bạn đọc