Ngày hè – sân chơi nào cho em ? (Tiếp theo - Kỳ 3)
Thiếu sân chơi, không đơn giản là việc các em thiếu chỗ chơi mà kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, tạm gọi chung bằng cụm từ “tai nạn thương tích”. Có thể nói, dịp hè là cao điểm xảy ra những tai nạn này…
Tập bơi cho trẻ để phòng tránh đuối nước. |
Có muôn hình vạn trạng dẫn đến những tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó thiếu sân chơi cũng là một trong những nguyên nhân góp phần. Nghỉ hè, không có chỗ chơi, nhiều em chọn cách tiêu khiển là đi câu cá, đi bơi... Nhiều vụ trẻ em chết đuối do bơi sông, hồ; bị điện giật do thả diều; bị tai nạn do đá bóng dưới lòng đường... Không ít nhóm trẻ em tụ tập đánh nhau gây mất trật tự, an ninh hoặc rủ nhau bỏ nhà đi qua đêm. Tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em cũng thường diễn ra trong dịp hè. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều trẻ em phải lao động, đi làm thuê để giúp gia đình…
Vào lúc 22 giờ ngày 4-7, tại quán net Minh Cảnh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường An Lạc (TX. Buôn Hồ) đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả giữa Nguyễn Chí Tâm (SN 1993) thường trú tại tổ dân phố 4, phường An Lạc và Phạm Văn Tịnh (SN 1991), trú tại tổ dân phố 8, phường An Bình. Trong khi ẩu đả, Tịnh đã dùng lưỡi kéo cắt cành cà phê đâm 2 nhát vào người Tâm, một nhát vào lưng và một nhát vào tim khiến Tâm tử vong trên đường đi cấp cứu.
Một mùa hè đã dần khép lại, người dân thôn Yên Thành 2, xã Dak Nuê (Lak) vẫn chưa quên cái chết thương tâm của cháu Bùi Thị Phương Cúc, 11 tuổi, con của anh Bùi Ngọc Chi và chị Trần Thị Sinh. Cúc cùng với bạn hàng xóm đã bị chết đuối dưới ao gần nhà. Sự ra đi của cháu Cúc không chỉ là một mất mát lớn đối với gia đình anh Chi, chị Sinh mà còn là hồi chuông cảnh báo cho mỗi gia đình trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em ở địa phương nhất là trong dịp hè bởi từ năm 2005 đến nay, tại xã Dak Nuê đã xảy ra 7 trường hợp tai nạn thương tích, làm chết 9 em.
Ngày 26-7, một nhóm khoảng 4-5 em ở thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drak đi chăn bò trong rừng đã hái quả rừng có hình dạng và màu sắc giống quả nho. Thấy quả ăn có vị thơm và ngọt nên các em đã hái mang về chia cho các bạn trong thôn cùng ăn. Sau khoảng 4-5 giờ đồng hồ, những người ăn quả rừng này đều có triệu chứng co giật, tím tái toàn thân, đau đầu, buồn nôn, loạn nhịp tim... Ngay trong đêm, đã có đến 35 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có đến 32 trẻ em. Các em Giàng Seo Sấn (SN 2000), Giàng A Sằng (SN 2005) đã tử vong.
Không thể kể hết những vụ tai nạn đau lòng xảy ra đối với trẻ em trong mùa hè này. Đây chính là hồi chuông cảnh báo để xã hội suy nghĩ và hành động quyết liệt hơn trong việc chăm lo, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động vui chơi giải trí của các em.
Ngày hè nhiều trẻ em phải đi lao dộng phụ giúp gia đình. |
Tháng 10-2010, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đại biểu dân cử với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”. Hội thảo đã chỉ rõ những tai nạn thương tích dễ xảy ra đối với trẻ em gồm: đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng, cháy, ngạt tắc đường thở, vật sắc nhọn cắt đâm, điện giật, sét đánh, ngộ độc, động vật cắn, húc, bom mìn và các vật liệu nổ…, trong đó phổ biến nhất là đuối nước và tai nạn giao thông; thời điểm thường xảy ra là dịp hè do các em được nghỉ học, thiếu những sân chơi an toàn và tất nhiên cũng do tính tò mò, thích khám phá của trẻ nhỏ. Chỉ tính riêng năm 2008 cả nước đã có 3.523 trẻ em và người chưa thành niên bị tử vong do đuối nước. Dak Lak là một trong 15 tỉnh có số tử vong do đuối nước cao nhất cả nước. Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong cao sau đuối nước. Con số báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong năm 2007 cho thấy, cả nước có hơn 14.150 người chết do tai nạn giao thông, ước tính hơn 35% nạn nhân là trẻ em.
Còn theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong giai đoạn 2001-2010, trẻ em bị tai nạn thương tích 3.858 trường hợp, riêng đuối nước chiếm 68%. Số liệu mới nhất tính từ đầu năm 2011 đến nay đã có 3.344 trường hợp trẻ em và trẻ vị thành niên mắc tai nạn thương tích, có 64 ca tử vong và 33 ca tử vong do đuối nước. Báo cáo chuyên đề của Công an tỉnh về Chương trình hành động vì trẻ em cho biết: Trong 10 năm (2001-2010), toàn tỉnh đã xảy ra 3.743 vụ với 5.144 trẻ em trong lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đã xử lý hình sự 1.330 vụ, 1.791 đối tượng trẻ em. Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên trung bình mỗi năm xảy ra trên 300 vụ trong đó có những vụ rất nghiêm trọng như giết người cướp tài sản hiếp dâm, cưỡng dâm. Các vụ án không chỉ xuất hiện ở thành phố, thị xã, thị trấn mà còn xảy ra ở các xã, thôn vùng sâu vùng xa. Hầu hết trẻ em vi phạm đều ở lứa tuổi 14-18 tuổi. Số trẻ em tụ tập thành băng nhóm sử dụng dao lê, mã tấu cưỡng đoạt tài sản đâm đánh nhau tại nơi công cộng hoặc tụ tập thành từng nhóm để hoạt động cướp giật tài sản trên đường phố, trên các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện còn xảy ra. Tình hình trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật có diễn biến tăng giảm thất thường không ổn định.
Giật mình với những con số nhưng cũng thật cay đắng khi được nghe một vị lãnh đạo của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thốt lên: Sân golf thì thừa mà sân chơi cho trẻ em thì thiếu!
Kỳ 4: Đi tìm sân chơi cho trẻ
[links()]
Ý kiến bạn đọc