Ngày hè - sân chơi nào cho em? (Tiếp theo và hết - Kỳ 4)
Việc tìm kiếm được những hình thức vui chơi, giải trí bổ ích, kết hợp với học tập của trẻ luôn là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên, để có được nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu vẫn đang còn là một bài toán khó…
Lao động giúp dân là những sinh hoạt tập thể rèn luyện kỹ năng sống, mang giá trị nhân văn của chương trình “Học kỳ trong quân đội”. |
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có sự quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em nhằm tạo một môi trường lành mạnh và bổ ích để các em vui chơi, giải trí. Mức đầu tư cho trẻ em về văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao đã tăng rõ rệt so với trước, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu vui chơi cho trẻ em còn nhiều khó khăn và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có một số trung tâm vui chơi hình thành nhưng các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, các trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em còn nghèo nàn; các điều kiện về an toàn chưa được bảo đảm, chưa sử dụng hết công năng.
Với sự cố gắng của các ngành các cấp liên quan, trong thời gian vừa qua một số điểm vui chơi cho trẻ em ở cấp xã, phường, các nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn buôn đã được đầu tư xây dựng. Tính đến nay Dak Lak có 3 nhà văn hóa cấp tỉnh, (trong đó có một nhà văn hóa thanh thiếu nhi) 13 nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, 514/598 thôn buôn có nhà văn hóa cộng đồng, 749 thư viện và tủ sách nông thôn. Bình quân các nhà văn hóa và điểm sinh hoạt văn hóa đã dành từ 20-25% công suất phục vụ trẻ em. Hằng năm số sách tài trợ qua hệ thống thư viện các huyện, thị, thành phố và Công ty Văn hóa tổng hợp vẫn được duy trì. Cụ thể số sách tài trợ qua hệ thống thư viện là 5.000 bản, trong đó 35% số bản sách phục vụ thiếu nhi. Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, trong Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, mục tiêu vui chơi giải trí không đạt. Minh chứng vẫn còn gần 50% các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điểm vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em. Trong khi đó một số xã đã được đầu tư xây dựng điểm vui chơi lại không quan tâm đến việc duy trì bảo dưỡng, sửa chữa vì vậy đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí là bỏ phí. Ngoài ra còn có tình trạng một số hội thi, hội diễn, hoạt động diễn ra ở cấp huyện, cấp tỉnh chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng chủ yếu (là những em trong đội tuyển, chuyên đi thi). Các hoạt động ở một số sân chơi này đôi khi được đầu tư với kinh phí lớn nhưng hiệu quả không cao, do không có sức thu hút được nhiều trẻ em đến xem và tham gia…
Chương trình “Mùa hè yêu thương” là mô hình tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, vui tươi cho học sinh tại các địa phương đang còn khó khăn. |
Trước những khó khăn về xây dựng các điểm vui chơi dành cho trẻ em, gần đây, với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, một số doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư vào các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em tại một số địa phương nhưng nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ và mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu. Có thể kể đến khu vui chơi, giải trí ngoài trời tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Dak Lak do Công ty TNHH Anh Hùng hợp tác đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng đến năm 2015. Hiện nay hơn một nửa hạng mục đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng như: tàu siêu tốc, xe điện, vòng quay trên không… Hay như các điểm vui chơi cho thiếu nhi tại Hoa viên TP. Buôn Ma Thuột, Nhà thi đấu thể thao tỉnh, siêu thị Co.opMart, Công viên nước… và hàng chục sân bóng đá mini do các đơn vị kinh doanh đầu tư trên địa bàn thành phố với những trò chơi hiện đại, được xây dựng bài bản tại các khu vui chơi này đã phù hợp sở thích, thu hút được các em.
Bên cạnh đó một số mô hình hay, cách làm mới tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi cũng đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Nổi bật và tạo ấn tượng hơn cả có lẽ là chương trình “Học kỳ quân đội” do Tỉnh Đoàn phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Mặc dù mới triển khai trong hai mùa hè nhưng chương trình đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo phụ huynh và các em thiếu nhi bởi công tác tổ chức tốt, nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn và những giá trị nhân văn mà chương trình đem lại. Một mô hình hoạt động khác cũng tạo sân chơi thú vị cho các em có thể kể đến là chương trình “Mùa hè yêu thương” do Huyện Đoàn Cư M’gar phối hợp với Hội Trái tim yêu thương (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức thực hiện trong mùa hè năm nay tại 2 trường tiểu học Nguyễn Khuyến và Nguyễn Đình Chiểu (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar). Với mỗi trò chơi mà chương trình tổ chức như: xé giấy dán tranh, ném bóng, ném vòng, đá bóng vượt chướng ngại vật… bên cạnh sự tươi vui, sôi nổi còn chứa đựng cả những bài học về tinh thần đoàn kết, tình cảm đồng đội, làm việc theo nhóm, các kỹ năng sống... đã được khéo léo lồng ghép truyền dạy cho các em. Có thể nói, đây là một chương trình kết hợp khá sáng tạo để các cán bộ Đoàn cũng như các anh chị tổng phụ trách, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, vui tươi cho học sinh tại các địa phương đang còn có những khó khăn.
Ngoài ra Chiến dịch thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động trong những năm qua cũng đã tạo nhiều dấu ấn đáng kể, trong đó có công tác ôn tập hè, tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi. Thông qua các buổi học văn hóa, các chiến sĩ tình nguyện đã lồng ghép, tổ chức các buổi sinh hoạt với nhiều nội dung hoạt động vui chơi bổ ích như hát, múa tập thể, trò chơi cho các em thiếu nhi tham gia; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hướng dẫn các em vệ sinh thân thể, răng miệng; tổ chức cắt tóc, bấm móng tay, gội đầu cho các em; hướng dẫn các em làm đèn trung thu…
Có thể nói, công tác xã hội hóa các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em cùng những mô hình hay, cách làm mới này đã tạo được sân chơi hay, thú vị, bổ ích và nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn chưa nhiều, chưa phổ biến, mới chỉ dừng lại ở một số đối tượng nhất định và chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của đại đa số các em thiếu nhi. Thiết nghĩ, để những mô hình này được nhân rộng và có sức lan tỏa hơn nữa vẫn cần có sự quan tâm, ủng hộ, chung tay kết hợp của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc