Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Ana: bao giờ chấm dứt?

09:22, 15/08/2011

Những năm gần đây, việc quản lý các hoạt động khai thác cát lòng sông Krông Ana (đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Bông) đang bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng nhiều người dân khai thác cát trái phép, lấn át cả đơn vị được cấp quyền khai thác, khiến hàng trăm ha đất hoa màu của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước!

Ảnh bên: Khai thác cát sát chân cầu Chữ V (nối xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty) gây nguy hại đến an toàn của cầu. Ảnh: L.T
Khai thác cát sát chân cầu Chữ V (nối xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty) gây nguy hại đến an toàn của cầu.
Từ việc tranh nhau khai thác cát
Việc khai thác cát trái phép nói trên, diễn ra gần 10 năm trước mà không ai được cấp phép. Đến năm 2008, cơ quan chức năng tỉnh quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát) cho Công ty vật liệu xây dựng Tây Nguyên (VLXDTN) đóng chân tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Đơn vị này phải tuân thủ quy định: chỉ hút cát lòng sông cách bờ ít nhất 5 m, độ sâu cho phép 4 m trên tổng chiều dài 27km của khúc sông trên. Do việc khai thác cát đem lại nguồn lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở khai thác trái phép mọc lên như nấm dọc theo hai bên bờ sông. Chứng kiến cảnh hàng chục chiếc thuyền khai thác cát trái phép diễn ra công khai suốt từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày, quần nát cả một khúc sông, người có trách nhiệm không ai không cảm thấy xót lòng!

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty VLXDTN cho biết, việc khai thác cát trái phép tại đoạn sông trên có sự tham gia của khoảng 40 hộ dân sống trên địa bàn, tập trung thành từng nhóm từ 5-10 hộ, đầu tư máy móc và 13 chiếc thuyền có trọng tải hàng chục tấn, tranh giành nhau khai thác cát. Bình quân mỗi ngày, các cơ sở này khai thác khoảng 500-600 m3 cát lậu, trong khi đó, đơn vị được cấp phép chỉ hút được 100-150 m3 cát/ngày. Chưa hết, việc cạnh tranh, mua bán cát tại các bến bãi dọc 2 bên bờ sông cũng diễn ra khá gay gắt; những hộ khai thác cát trái phép (không phải nộp thuế Nhà nước) móc nối nhau hạ giá bán xuống 48.000-50.000 đồng/m3 cát, trong khi giá thị trường là 64.000 đồng/m3, điều đó đã gây không ít khó khăn cho đơn vị khai thác cát hợp pháp.

Ảnh bên: Khai thác cát sát chân cầu Chữ V (nối xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty) gây nguy hại đến an toàn của cầu. Ảnh: L.T
Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông.
Đến những hệ lụy
Tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan trong nhiều năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sở tại. Theo phản ánh của bà con: chỉ cách đây hơn 3 năm, chiều rộng của dòng sông khoảng 30-40 m, nhưng đến nay, nước sông đã lấn vào 2 bên bờ khá sâu, có đoạn rộng đến hơn 100 m, và xoáy sâu xuống lòng sông cả chục mét. Hai bên bờ sông đang ngày càng bị sụt lún, lấn sâu vào đất canh tác của nhiều hộ, nhất là vào mùa mưa lũ, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ bị cuốn trôi theo dòng nước. Anh Hồ Văn Khôi, thôn 2, xã Cư Kty cho biết: trước đây, gia đình anh có hơn 1 ha đất ở triền sông để trồng hoa màu, nhưng chỉ qua 2 đợt mưa lũ năm 2009 và 2010, gần như toàn bộ diện tích đất này đã bị cuốn trôi xuống sông. Chưa kể, hằng ngày, các chủ khai thác cát nơi đây còn đưa cả vòi phun nước xối thẳng vào bờ làm cho đất cát lở xuống, sau đó hút cát lên để bán. Đã nhiều lần anh Khôi cùng bà con phản ánh lên chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết tình trạng trên, nhưng đâu vẫn hoàn đấy! Bà Lê Thị Lan, thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền bức xúc: do khai thác cát bừa bãi nên nguồn nước trên sông Krông Ana giờ đây luôn trong tình trạng đục ngầu, chảy xiết; nhiều hộ dân sống gần sông luôn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Anh Đinh Doãn Nam, thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền cho hay, giếng nước nhà anh vài năm nay đã không còn sử dụng được bởi luôn trong tình trạng đục ngầu, nổi váng màu vàng và bốc mùi hôi tanh, dù đã xử lý qua bể lọc mới sử dụng, nhưng các con anh vẫn bị đau mắt đỏ, da nổi mẩn ngứa; do vậy, cả xóm anh phải mua nước bên ngoài về sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó chủ tịch UBND xã Cư Kty, khoảng từ năm 2005 đến nay, diện tích đất 2 bên bờ sông bị sạt lở do nạn khai thác cát trên địa bàn huyện chưa thể thống kê hết được, nhưng nằm ở tầm 80-120 ha. Điều đáng nói là việc hút và tập kết cát còn diễn ra ngay sát chân cầu chữ V, là tuyến đường độc đạo nối liền 2 xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty (theo quy định, khai thác cát phải cách xa chân cầu ít nhất 50 m) dẫn đến việc đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của chân cầu.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương của huyện Krông Bông cần chủ động kiểm tra, rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, ồ ạt trên, bảo đảm an toàn đời sống và sản xuất cho người dân trên địa bàn.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc