Giao rừng theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ ở Dak Lak: Vì sao rừng vẫn mất? (Kỳ 1)
Thực hiện Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23- 11-2005 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên”, tỉnh Dak Lak đã triển khai giao rừng tại 6 huyện (Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Bông, Krông Ana và M’Drak). Nhưng thực tế, sau thời gian thực hiện, hàng nghìn diện tích rừng được giao khoán tại các địa phương vẫn bị chặt phá, xâm hại nghiêm trọng.
Rừng giao khoán tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị phá trụi. |
Xã Cư M’lan có 4 nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 908,7 ha rừng tại các tiểu khu 281, 287 và 288, chủ yếu là rừng nghèo kiệt, không còn khả năng cho khai thác. Có thể nói, với hiện trạng rừng như vậy, người dân phải đợi 30-40 năm sau mới có sản phẩm thu hoạch. Trong khi đó, các hộ nhận rừng đều là hộ nghèo, thiếu kinh phí chăm sóc, nhiều chủ rừng không mặn mà với việc chăm sóc, bảo vệ mà bỏ mặc cho các đối tượng bên ngoài nhảy vào chặt phá lấy đất làm rẫy; nhiều diện tích rừng do chính chủ rừng tự ý chặt phá rồi chuyển sang trồng các loại cây hoa màu, lương thực nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu trước mắt. Đã có nhiều nhóm hộ trước áp lực mất rừng đã làm đơn xin trả lại rừng. Ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’lanh cho biết: Cư M’lanh mới giao được 231 ha rừng cho 20 hộ, nhưng một số hộ đã làm đơn xin trả. Dân không nhận hoặc xin trả lại rừng khiến xã rất lo vì không có lực lượng, phương tiện, kinh phí để bảo vệ, trong khi diện tích rừng do xã quản lý đến gần 9.000 ha. Trước tình thế đó, xã chỉ còn biết đứng ra vận động bà con “chịu khó” nhận lại rừng.
Những thân cây to bằng vòng tay người ôm bị đốn hạ. |
Sở dĩ người dân không mặn mà với rừng, tìm cách chuyển đổi rừng như trên có thể nêu lên mấy nguyên nhân: trước hết rừng được giao cho các cộng đồng hầu hết là rừng non tái sinh, trước đây do các Công ty lâm nghiệp quản lý đã khai thác cạn kiệt, khi trả về địa phương, đa số rừng không còn trữ lượng gỗ, địa hình phức tạp, đất xấu, đồi núi đá, việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có. Lẽ ra những diện tích rừng này chủ yếu sử dụng cho việc trồng lại rừng, khoanh nuôi tái tạo tự nhiên nhưng các cộng đồng lại không có vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương chưa làm tốt vai trò giám sát, quản lý để từ đó kịp thời phát hiện báo cơ quan chức năng xử lý, dẫn đến khi sự việc được phát hiện thì rừng đã bị xâm hại nghiêm trọng. Mặt khác, việc giải quyết một số chính sách hưởng lợi cho người nhận rừng ở các địa phương hầu hết đều triển khai thực hiện rất chậm, khiến chủ rừng gặp khó khăn, từ đó mất niềm tin và không còn mặn mà với rừng...
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã giao 8.577 ha rừng cho 1.209 hộ, đạt 32,14% về diện tích so với kế hoạch là 26.686,8 ha. Để thực hiện công tác giao khoán, bảo vệ rừng, Dak Lak đã được Trung ương hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 814 triệu đồng, còn tồn hơn 12 tỷ đồng, do kết quả giao rừng đạt quá thấp so kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, tỉnh Dak Lak cũng đã hỗ trợ số hộ thuộc các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng hơn 45 tấn gạo và 81 nghìn cây giống. |
Bài 2: Cần những điều chỉnh phù hợp
Ý kiến bạn đọc