Multimedia Đọc Báo in

Giao rừng theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ ở Dak Lak: Vì sao rừng vẫn mất? (Kỳ cuối)

09:59, 28/10/2011

Bài cuối: Cần những điều chỉnh phù hợp

Để người nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng an tâm với nhiệm vụ, thậm chí làm giàu được từ nghề rừng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự rà soát, đánh giá lại để có những điều chỉnh phù hợp…

Thực tế cho thấy: có những cộng đồng sau khi nhận rừng, đã bảo vệ rừng khá tốt, và rừng đã mang lại nguồn thu trực tiếp cho người được nhận khoán; nhiều hộ có cuộc sống no đủ, thoát nghèo từ rừng. Điển hình như cộng đồng buôn Ta Ly (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo), có 144 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhận bảo vệ 1.127,5 ha rừng, chủ yếu là rừng nguyên sinh. Sau khi nhận khoán, bảo vệ, bà con đã biết gắn trách nhiệm của mình vào việc bảo vệ rừng, xem đó là bát cơm hàng ngày cần phải bảo vệ, gìn giữ. Vì vậy, chỉ sau hơn 4 năm chăm sóc, bảo vệ, cộng đồng buôn này đã có nguồn thu, sử dụng vào việc cho các hộ nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất xóa nghèo, mua bò giống phát triển chăn nuôi và tập trung đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, cuộc sống nâng lên rõ rệt. Theo thống kê của xã Ea Sol: hơn 4 năm qua, diện tích rừng buôn Ta Ly bảo vệ chỉ bị phá 5 ha. Trong khi cũng ở xã Ea Sol, buôn Điết có 78 hộ nhận bảo vệ 524,7 ha rừng nhưng đã bị phá hơn 140 ha làm nương rẫy. Với việc bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, buôn Ta Ly được đánh giá là cộng đồng bảo vệ rừng tốt nhất tỉnh.

 Gỗ khai thác lậu còn vứt trên đường mòn trong rừng Buôn Đôn.
Gỗ khai thác lậu còn vứt trên đường mòn trong rừng Buôn Đôn.
Mới đây, UBND huyện Ea H’leo cũng đã có cách làm linh hoạt khi triển khai cho các cộng đồng được giao rừng theo quyết định 304/QĐ-TTg của Thủ tướng có rừng bị phá (như cộng đồng buồn Điêk, buôn Chăm, buôn Ka Ry xã Ea Sol, buôn Lê Đá thị trấn Ea Drăng) liên kết với một số công ty để trồng rừng (được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương). Ông Y Manh Adrơng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết: việc các cộng đồng liên kết trồng rừng với các công ty sẽ có rất nhiều cái lợi. Đó là, khi liên kết các công ty có điều kiện về vốn để đầu tư cho việc trồng rừng và chăm sóc, sẽ thu hút thêm nhiều lao động tại chỗ; người dân ở cộng đồng các buôn có thêm thu nhập từ việc trồng rừng, trong khi đất rừng vẫn do cộng đồng quản lý nên, không mất đi.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là: việc chi trả công chăm sóc rừng hàng năm cho các hộ nhận khoán chưa thật sự phù hợp, nên chưa kích thích được người nhận rừng thật sự dồn hết tâm trí vào việc bảo vệ và gắn bó với rừng. Ông Y Rít Buôn Ya, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá: Nếu việc giao rừng theo Quyết định số: 304/2005/QĐ-TTg cứ làm như lâu nay đang làm, thì không hiệu quả, vì dân hưởng lợi từ rừng ít quá, thậm chí nhiều nơi không có nguồn thu nào cả, dân không sống  được bằng nghề rừng nên chẳng ai thiết tha với rừng. Ông cho rằng: tới đây chính sách hưởng lợi cần điều chỉnh, ngoài chính sách ưu đãi hộ nghèo nhận khoán rừng như đang thực hiện, nên chi trả công bảo vệ rừng hàng năm như đối với kinh phí giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng thuộc vườn quốc gia (mức đang thực hiện là 100 nghìn đồng/ha/năm), khi đó người dân sẽ gắn trách nhiệm với rừng hơn. Nên giao khoán rừng tới từng hộ dân, với diện tích vừa phải để gắn trách nhiệm của hộ đó với rừng, chứ “giao rừng cho cộng đồng”, nghe thì thật to tát, lực lượng có vẻ hùng hậu, nhưng lại xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc!”, và đến khi rừng mất chẳng biết quy trách nhiệm cho ai”. Ông Y Rít cũng cho rằng, công tác giữ rừng hiện nay đang gặp nhiều áp lực, có những vướng mắc về mặt chính sách cần tháo gỡ. Đối với rừng giao khoán cho nhóm hộ và cộng đồng, tới đây phải xây dựng chính sách hưởng lợi cho người giữ rừng cụ thể hơn. Ví như việc sử dụng quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền thanh lý lâm sản khai thác trái phép mà cấp xã tịch thu, kinh phí thu từ các doanh nghiệp triển khai dự án thuê đất lâm nghiệp v.v… cần xem xét giao cho cấp xã, để xã thành lập “Quỹ bảo vệ phát triển rừng”.

Rừng giao khoán ở Buôn Đôn bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng giao khoán ở Buôn Đôn bị tàn phá nghiêm trọng.
UBND tỉnh mới có Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 22-2-2011 về việc phê duyệt “Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với lập hồ sơ quản lý rừng tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015” gồm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2011-2012) sẽ triển khai chương trình rà soát diện tích rừng trên lưu vực thủy điện, khu vực ảnh hưởng của các dự án du lịch có sử dụng rừng và các dự án khác để thực  hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng; triển khai lập dự án chi trả môi trường. Rà soát diện tích, hoàn chỉnh hồ sơ giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cộng đồng theo Nghị định 63/1999/NĐ-CP trước đây, quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12-11-2001 và Quyết định 304/QĐ-TTg ngày 23-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ; lập hồ sơ cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đã được thuê đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án trồng rừng, cải tạo rừng nghèo để phát triển rừng,  trồng cao su, để kinh doanh du lịch sinh thái và các dự án có sử dụng rừng khác. Hoàn thành hồ sơ giao rừng đối với diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ.

Lê Văn – Lê Thành
[links()]

Ý kiến bạn đọc