Multimedia Đọc Báo in

Chất lượng phân bón cho cây trồng: Thực trạng báo động! (Kỳ cuối)

10:12, 09/11/2011
TÌM GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

Trong hội nghị giao ban trực tuyến vừa qua của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là với  mặt hàng phân bón.
 
Quản lý tận cơ sở: không dễ!
Hiện nay, việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh (SXKD) phân bón khá đơn giản: cơ sở sản xuất phân bón “tự công bố và đăng ký” tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khi đưa vào sản xuất, lưu thông rồi cơ quan chức năng mới… tiến hành hậu kiểm. Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các DN phân bón lớn để dễ dàng tiêu thụ, đến khi bị phát hiện thì đối phó bằng cách thay đổi địa điểm, mẫu mã để… vi phạm tiếp! Thanh tra Sở NN-PTNT thừa nhận: ước tính trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 cơ sở sản xuất, hàng trăm cơ sở kinh doanh phân bón, nhưng thực tế rất khó quản lý tất cả các cơ sở đang hoạt động. Số liệu thống kê tại cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh chỉ mang tính tương đối, vì có doanh nghiệp đăng ký nhưng không kinh doanh, có doanh nghiệp kinh doanh lại không đăng ký; số liệu các cơ quan chức năng các địa phương nắm cũng không đầy đủ, vì có cơ sở sản xuất “bí mật” với quy mô nhỏ, có cơ sở kinh doanh lẫn với nhiều mặt hàng khác… Mặt khác, cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phân bón với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau nên không phải ai cũng biết loại phân bón nào có trong danh mục được Bộ NN - PTNT cho phép lưu hành. Trên địa bàn tỉnh, phân bón được cung ứng từ nhiều nguồn, nhiều cơ sở SXKD xuống chào hàng trực tiếp với nông dân bằng phương thức trả chậm chứ không thông qua hệ thống các đại lý nên các đơn vị nghiệp vụ rất khó nắm bắt. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao con số thống kê số lượng cơ sở SXKD phân bón trên địa bàn của các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện khác hẳn nhau, thậm chí chênh nhau rất lớn. Tại một Hội nghị bàn về công tác phát triển thành viên của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, khi nhiều thành viên là nông dân đề nghị Trung tâm bảo lãnh giúp người trồng cà phê tìm đúng địa chỉ những doanh nghiệp SXKD phân bón bảo đảm uy tín, chất lượng thì những người có trách nhiệm không khỏi… lúng túng.
Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT ), đa số phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường là loại NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh vì loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Ông Nguyễn Văn Bằng, phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Trong đợt kiểm tra vừa qua, “rối” nhất là mặt hàng phân vi sinh! Các cơ sở sản xuất đa số nhỏ lẻ, công bố chất lượng lung tung, không có ai kiểm tra, tự tổ chức hội thảo mời nông dân tham dự nhằm giới thiệu, quảng cáo sản phẩm rùm beng khiến nhiều nông dân cả tin “mắc bẫy”. Trong số những cơ sở bị phát hiện, xử lý, có cả cơ sở thuộc doanh nghiệp là thành viên của Tổng công ty cà phê Việt Nam với  lỗi vi phạm SXKD phân vi sinh không được công nhận chất lượng sản phẩm.
M
Một cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh
“Khoảng trống” trong kiểm định chất lượng sản phẩm
Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông  nghiệp: trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải ra quyết định niêm phong toàn bộ lô hàng cùng nhãn hiệu, yêu cầu cơ sở SXKD thu hồi hàng hóa đã bán; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng …Nhưng thực tế, việc phát hiện những loại hàng này không đơn giản. Theo Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT), nói chung các loại phân NPK rất khó phân biệt được thật - giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường, mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm kiểm nghiệm. Mà để kiểm tra, phát hiện và xử lý một lô sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, các cơ quan chức năng phải làm việc theo quy trình, mất rất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Minh Tặng, phó Chánh thanh tra Sở NN-PTNT cho biết: “dù phát hiện nhiều vi phạm trong SXKD phân bón, nhưng đơn vị chỉ xử lý những lỗi thông thường về nhãn mác, giấy phép kinh doanh, kho bãi, dây chuyền sản xuất... Còn muốn xác định chất lượng sản phẩm, phải lấy mẫu gửi vào TP. HCM để kiểm định”. Trên thị trường hiện có khoảng 1.000 loại phân bón nên việc lấy mẫu kiểm nghiệm rất tốn kém, mất thời gian. Trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn liên ngành lấy 90 mẫu đi kiểm nghiệm từ đầu tháng 6, đến tháng 8 mới có kết quả, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất không đồng ý với kết quả này nên đề nghị đi kiểm nghiệm lần thứ hai; vì vậy, phải đến tháng 10 mới có thể công bố chính thức kết quả với gần 50% số mẫu có hàm lượng thấp hơn tiêu chuẩn công bố, trong đó có 2 mẫu là phân bón giả. Tính ra, từ khi lấy mẫu đến lúc công  bố  kết quả kiểm nghiệm mất gần 4 tháng, trong thời gian đó các lô hàng lấy mẫu vẫn được lưu thông bình thường, nên khi có thể công  bố kết quả kiểm nghiệm chính thức thì phần lớn lượng phân bón kém chất lượng đã nằm dưới gốc cây trồng, nếu còn tồn tại cửa hàng thì số lượng cũng rất ít, không đủ cơ sở xử lý nghiêm để răn đe. Ông Nguyễn Tân Nhân, một nạn nhân của việc sử dụng phân bón giả ở xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) cho biết: hồi tháng 5 vừa qua, tôi mua 1 tấn phân bón tại đại lý, thấy cả lô hàng còn khoảng 30 tấn trong kho. Sau khi sử dụng và phát hiện phân bón giả, tôi đã báo cho cơ quan chức năng, nhưng khoảng đầu tháng 9 đoàn kiểm tra đến làm việc chỉ thấy kho trống không, vì lúc này mùa vụ bón phân đã qua, lô hàng đã tiêu thụ hết rồi! 
 
Tạo hành lang pháp lý trong việc chấn chỉnh thị trường phân bón
 
Theo Bộ NN-PTNT, để quản lý chất lượng phân bón cần tập trung vào các yếu tố: luật pháp, năng lực của người dân, doanh nghiệp… Các Bộ Công an, NN-PTNT, Công thương và Hiệp hội phân bón Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận về cơ chế phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Chính phủ cũng ban hành Nghị định về quản lý SXKD phân bón, trong đó có một điểm mới đáng lưu ý là “đưa phân bón vào nhóm hàng SXKD có điều kiện”. Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn tham gia SXKD mặt hàng này phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, chứng minh năng lực sản xuất, trang thiết bị, nhà xưởng, các điều kiện về môi trường... Nghị định cũng quy định rõ tiêu chuẩn phân bón bảo đảm chất lượng, phân kém chất lượng, phân bón giả… để làm cơ sở cho việc thanh tra xử phạt các trường hợp vi phạm. Ðây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc chấn chỉnh thị trường phân bón và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, phó Giám đốc Sở NN-PTNT: hoạt động SXKD phân bón trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, nên cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Trước hết, cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện và đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 15/NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động SXKD phân bón cho phù hợp tình hình thực tế; đồng thời quy định phân cấp công tác thanh, kiểm tra theo cấp độ để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó còn phải tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ chất lượng của từng loại phân bón, thông báo rộng rãi những sản phẩm không bảo đảm chất lượng để họ biết cách phòng tránh. Đặc biệt, người mua cần lấy hóa đơn để có cơ sở cho việc khiếu nại (nếu có) sau này. Thanh tra Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân nên chọn mua sản phẩm phân bón của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, phân phối qua đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó; đồng thời cơ quan chức năng phải khẩn trương xây dựng cơ sở kiểm định, kiểm tra chất lượng khu vực Tây Nguyên để việc phân tích chất lượng sản phẩm được nhanh hơn, góp phần xử lý kịp thời các vụ việc.
Nhóm PV
* Theo Nghị định 15/2010/NĐ-CP, mức xử phạt cao nhất đối với việc SXKD phân bón giả lên đến 150 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về SXKD phân bón giả nếu có giá trị tương đương 30 triệu đồng trở lên, có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự
*Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, công tác thanh, kiểm tra chất lượng phân bón cần tập trung thực hiện một số nội dung:
-Đối với phân bón nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có hàm lượng các chất dinh dưỡng đạt thấp so với đăng ký, tùy mức độ áp dụng các biện pháp: phạt hành chính, buộc tái chế, chuyển thành nguyên liệu sản xuất phân bón; tịch thu toàn bộ để tái chế hoặc để làm nguyên liệu sản xuất các loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.
-Đối với các loại phân bón sản xuất trong nước, kiên quyết không cho phép lưu hành các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả; tịch thu các loại phân bón không có tên trong danh mục phân bón, các loại phân bón có tổng hàm lượng dinh dưỡng thấp dưới 60% so với mức đăng ký; buộc tái chế hoặc chuyển làm nguyên liệu sản xuất các loại phân bón có tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng chỉ đạt 60-90% so với mức đăng ký; đình chỉ sản xuất, kinh doanh các loại phân bón sau hai lần kiểm tra liên tiếp không bảo đảm chất lượng theo đăng ký.

Ý kiến bạn đọc