Multimedia Đọc Báo in

Phấp phỏng SƯA NON

07:37, 29/05/2012

Lượng sức không giữ nổi mấy nghìn cây sưa còn lại, có doanh nghiệp phải tính việc bứng sưa ra đảo trồng. Còn giữa phố núi, những tán sưa non vẫn xanh phơi phới sau bản án 8 năm tù giam cho kẻ cưa trộm, làm khổ công nhân Xí nghiệp Cây Xanh căng thẳng canh gác đêm ngày…

Quà tặng hậu duệ: đảo sưa!

Trong 9.600 ha rừng trồng ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty Cổ phần Tập đoàn gỗ Trường Thành, ít người biết đã có một diện tích đáng kể trồng toàn sưa.

Sắc  sưa non trên  đường  phố.
Sắc sưa non trên đường phố.

Gần 6 năm trước, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Võ Trường Thành từng tiết lộ về dự án trồng rừng trị giá 20 triệu USD: Cơ cấu dự án ưu tiên phần lớn cho các loại cây cung cấp gỗ nhanh, tuy nhiên vẫn dành một tỷ lệ nhất định trồng loài quý hiếm giá trị cao là cây sưa, dự kiến nuôi trên 50 năm mới khai thác, như món quà dành tặng thế hệ sau! Để bảo vệ rừng sưa này không bị xâm phạm trước hạn, vùng đất được chọn trồng là một hòn đảo giữa sông khá rộng đã được khảo sát kỹ về điều kiện thổ nhưỡng sinh thái, được chính quyền tỉnh X nhất trí giao đất lâu dài cho tập đoàn.

Giữa tháng 5-2012, trong cơn sốt sưa tặc xôn xao dư luận cả nước, được hỏi rừng sưa của công ty giờ đã ra sao, ông Võ Trường Thành cho biết: Năm đó Trường Thành đặt mua từ vườn ươm của một ông tiến sĩ ở Quảng Bình hai vạn cây sưa giống lấy hạt từ Lào về, giá 15 nghìn đồng một bầu, gấp 10 lần giá giống keo cấy mô, gấp 30 lần giống keo thường.  Chuẩn bị trồng thì xảy ra tranh chấp, tỉnh X giao hòn đảo nọ cho đơn vị khác. Cây giống không để lâu trong bầu được, công ty đành hạ thổ trên đất bằng huyện Y. Hai vạn cây đã trồng giờ chỉ còn chừng 5 nghìn vì bị kẻ gian rỉ rả nhổ trộm, số sưa còn lại e cũng rất khó bảo toàn. Hòn đảo nọ đến nay vẫn trơ trụi do đơn vị kia không có năng lực trồng rừng. Sắp tới công ty sẽ đặt lại vấn đề với tỉnh, nếu được sẽ bứng số sưa còn lại ra đó. Dẫu đi thuyền ra đảo chỉ mất hơn mười lăm phút, nhưng giao thông cách trở lại có thêm lực lượng bảo vệ thủy điện phối hợp, hy vọng sưa trồng trên đảo sẽ an toàn hơn trên đất liền.

Thức trắng canh sưa

Buôn Ma Thuột đã 2 lần được Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đưa vào danh sách khen thưởng những đô thị xanh-sạch-đẹp nhất trong cả nước, trong thành tích đó có công đầu về việc tạo mảng xanh cho phố núi của công ty Quản lý đô thị và Môi trường Dak Lak.

Gốc  cây sưa  mới bị  cưa trộm  ở ngã tư  Y Ngông - Lê Hồng Phong.
Gốc cây sưa mới bị cưa trộm ở ngã tư Y Ngông - Lê Hồng Phong.

Từ năm 2003, công ty đã sang Gia Lai mua sưa về trồng tạo cảnh quan. Kết quả, 35 cây chết, 22 cây phải bứng về trồng lại ở vườn ươm vì tuyến đường Lê Duẩn mở rộng, 9 cây bị cưa trộm trong năm 2010. Từ đó tới nay, mấy chục công nhân trẻ trong công ty phải chia nhau đi tuần liên tục suốt đêm, thậm chí mắc võng nằm canh giữ từng gốc trong 21 cây sưa còn lại trên 5 đoạn phố mỗi độ xuân về trắng nõn hoa sưa.

Ông Bùi Đức Thăng, Giám đốc Xí nghiệp Công viên Cây xanh (1 trong 5 xí nghiệp trực thuộc Công ty Quản lý đô thị  và Môi trường tỉnh kể: “Đêm nào công nhân xí nghiệp cũng chia nhóm thủ gậy cao su đi tuần, mỗi đêm 2 ca trực chia nhau giữ cây từ 18 giờ 30 tới 5 giờ 30 sáng chẳng có  chế độ bồi dưỡng gì thêm, ngoài việc được nghỉ bù vào ngày hôm sau. Đi mệt, anh em mắc võng một đầu vào gốc sưa, đầu kia vào tường rào cơ quan ngả lưng một chút cho đỡ mỏi chứ không dám ngủ, vậy mà mới đây bọn sưa tặc cũng đã rình cưa được một đoạn gốc sưa non gần ngã tư Lê Hồng Phong - Y Ngông. Dường như mấy bản án tù khá nghiêm khắc tòa đã tuyên chưa đủ răn đe sưa tặc !”. Trong năm 2011, Công ty Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh đã 2 lần ra tòa với tư cách nguyên đơn. Công nhân Thái Phi Long, nhân chứng bắt quả tang một vụ trộm sưa thuật lại: “Đêm 8-12-2010 vào khoảng 2 giờ sáng, tôi cùng một anh nữa đang nằm ở giường xếp trong quán cà phê bên đường Tú Xương thì phát hiện 2 đối tượng chạy xe máy tới, thò lưỡi cưa tay vô gốc sưa đường kính gốc mới chừng 20 cm trước quán. Chúng tôi đã điện báo CA phường. Đối tượng bỏ chạy nhưng tôi đã kịp ghi biển số xe nên hôm sau công an “tóm” được ngay”. Trong những bản án đã tuyên về nạn “sưa tặc” tại Buôn Ma Thuột, hình phạt nặng nhất thuộc về bản án số 189 ngày 29-6-2011 của TAND TP. Buôn Ma Thuột. 2 bị cáo bắt được trong vụ này tên Thông và Thuận. Với mức giá 600 triệu đồng/m3 gỗ sưa (non)  mà Hội đồng định giá tài sản tỉnh đưa ra thì 6 đoạn sưa non đường kính từ 22-25cm bị băng nhóm này cưa cắt trị giá tổng cộng 352,8 triệu đồng. Do phạm tội lần đầu, Thuận lãnh 1 năm 6 tháng tù, Còn Thông từng tham gia nhiều vụ cắt trộm sưa trước đó, nhận án phạt đến 8 năm tù giam.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Công Thái, Giám đốc Công ty Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh cho biết cán bộ nhân viên toàn công ty thường xuyên theo dõi vấn nạn sưa tặc đang nóng bỏng khắp nơi, đặc biệt chú ý đến những lối bảo vệ sưa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước gần đây như giao cho công an và cựu chiến binh thức canh sưa, cho sưa “ mặc váy” bê tông, đóng đinh lớn chi chít vào thân sưa, khoác vòng thép quanh gốc sưa song cách nào cũng chưa ổn vì tốn kém và phản cảm. Tuy nhiên, để công nhân canh giữ từng gốc sưa đường phố suốt cả đêm ngày cũng chỉ là giải pháp tình thế, cực chẳng đã, thậm chí vi phạm Luật Lao động. Công ty đang cân nhắc đến ý kiến nên chăng chuyển nốt 21 cây sưa non đường phố còn lại vào những khuôn viên rộng mà dễ bảo vệ, như UBND tỉnh, Bảo tàng, Lâm viên…

Hoàng Thiên Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.