Multimedia Đọc Báo in

Hát ở nhà giàn

21:25, 02/10/2012

Tàu HQ-996 đến nhà giàn Phúc Tần đã quá trưa. Những ngọn sóng lừng lững như muốn nuốt chửng con tàu vào lòng biển. Trước mắt chúng tôi là nhà giàn nhỏ bé, đứng hiên ngang giữa đại dương. Tàu chỉ cách nhà giàn chừng 60 mét, nhưng không sao vào được. Tất cả các chiến sĩ đứng trên lan can nhà giàn vẫy chào, có ai đó cởi áo quay tròn trên đầu báo hiệu “nhà giàn xin chào đoàn công tác”.

Hàng chục  nhà giàn  được xây dựng trên thềm  lục địa  phía nam của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền  của đất nước ta trên biển. Trong ảnh:  Nhà giàn  Tư Chính DK1 cách mặt biển gần 20 mét.                                                                      Ảnh: T.M.T
Hàng chục nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của đất nước ta trên biển. Trong ảnh: Nhà giàn Tư Chính DK1 cách mặt biển gần 20 mét.  Ảnh: T.M.T

Tiếng trưởng đoàn công tác vang lên trong chiếc máy thông tin I-com sóng cực ngắn: “Đoàn công tác của Quân chủng cùng các cơ quan dân, chính đảng đến thăm các đồng chí, nhưng vì sóng to gió lớn chúng tôi không lên được. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng luôn tin tưởng, nhân dân cả nước luôn gửi gắm niềm tin vào các đồng chí. Chúc các đồng chí đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thềm lục địa của Tổ quốc. Hôm nay ở đây có nhiều anh chị nghệ sĩ, ca sĩ, họ sẽ hát cho các đồng chí nghe…”. Chúng tôi nín thở, đâu đó có tiếng khóc nghẹn ngào. Tất cả không ai bảo ai, mắt đỏ hoe nhìn về hướng nhà giàn.

“Các anh ơi, các anh có nghe rõ em nói không. Khi ở đất liền, em cứ nghĩ các anh như ở Trường Sa, ra đây em mới hiểu, các anh gian khổ và khó khăn hơn nhiều. Sóng to quá, không lên nhà giàn được, các anh tập trung lại, nghe em hát nhé. Em là Mai Hoa, Đoàn nghệ thuật Nam Định. Các anh có nghe em nói rõ không?”... “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng, Trường Sa vẫn bên anh, nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ…” Bắt đầu câu hát cũng là lúc nước mắt ca sĩ Mai Hoa tuôn rơi, chị xúc động đến tột cùng. Những ca từ không còn tròn trịa nữa, chỉ còn lại những tiếng nấc nghẹn ngào. Mai Hoa cầm tổ hợp, nước mắt giàn dụa, nhìn lên nhà giàn trong niềm thương thắt ruột. Đại tá Trương Công Thế (Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) mắt rưng rưng, nói trong tổ hợp: “Anh Thế đây, bây giờ chị Ái Xuân hát cho các em nghe nhé”. Đưa chiếc tổ hợp cho ca sĩ Ái Xuân, giọng Đại tá Thế lạc đi “Em hát đi, anh em ở trên giàn đang chờ em đó”. “Các em ơi, chị là Ái Xuân đây, các em nghe chị hát nhé”, ca sĩ Ái Xuân vừa hát, vừa khóc. Từ chiếc máy I-com sóng cực ngắn, tiếng các chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần hát lại “Người chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xuân sá chi, gìn giữ đất cha ông, giữ trọn lòng son sắt, cờ thắm gió tung bay, súng ngang trời đứng canh”… Tất cả những người có mặt lúc ấy đều xúc động, nghẹn ngào, những giọt nước mắt yêu thương vô bờ tràn vào sóng biển.

 Ca sĩ  Thanh Thúy  và  Mai Khôi  hát cùng  các chiến sĩ  Nhà giàn  Phúc Tần Huyền Trân 7.
Ca sĩ Thanh Thúy và Mai Khôi hát cùng các chiến sĩ Nhà giàn Phúc Tần Huyền Trân 7.

Đó là lần đoàn văn công đến nhà giàn gặp lúc sóng to, còn trong những lần sóng yên biển lặng, tàu trực ở các nhà giàn sẽ đi đón các chiến sĩ tập trung đông đủ đến tàu của đoàn công tác xem văn công. Thiếu tá Nguyễn Hữu Thuận, Chính trị viên nhà giàn chia sẻ: “Nếu ở Trường Sa, chiến sĩ “khát” văn công một thì ở các nhà giàn DK1 chiến sĩ “khát” văn công mười. Vì ở Trường Sa, cứ tháng ba, tháng tư hằng năm, đến hẹn văn công lại ra biểu diễn cho bộ đội xem, hoặc cũng có thể văn công đi theo tàu ra biểu diễn đột xuất, nhưng đối với các nhà giàn DK1 được xem văn công là vô cùng hiếm hoi. Những nhà giàn ở cụm Quế Đường, Ba Kè có thể được xem văn công mỗi năm 1 lần, nhưng đối với chiến sĩ các nhà giàn Cà Mau 3 đến 4 năm, thậm chí 5 năm mới được xem văn công một lần. Mỗi lần được xem văn công, cả nửa năm sau, dư âm và niềm vui vẫn còn đọng lại”.

Không có ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, trên là bầu trời rộng lớn, dưới là biển nước bao la, họ hát múa với tất cả lòng mình bằng những điệu múa, lời ca chan chứa tình người, tình đời. Ai cũng xúc động bùi ngùi khi đêm khuya rồi mà chẳng muốn chia tay. Văn công, chiến sĩ đứng, ngồi xen kẽ như muốn san sẻ, truyền hơi ấm đất liền đến những người lính biển. Lúc ấy mọi rào cản, e ngại dường như không còn nữa; ai nấy đều nhiệt tình, thân thiết xem nhau như ruột thịt. Với các anh chị văn công từ đất liền ra, món quà gửi tặng các chiến sĩ biển, đảo xa không gì bằng tiếng hát lời ca. Còn các chiến sĩ tặng văn công bằng cả tấm lòng yêu biển đảo Tổ quốc. Ngoài tiếng pháo tay không ngớt, tiếng hò reo khan đặc cổ, các anh còn tặng văn công hoa muống biển, dứa hộp, còn văn công tặng lại các anh hoa hồng mang ra từ đất liền. Nhiều chiến sĩ thổ lộ: đã hơn hai năm chưa một lần nhìn thấy con gái; chỉ cần nói có văn công là cả trạm thấp thỏm chờ đợi nhiều đêm không ngủ, mong từng ngày từng giờ đoàn đến…

Văn công hát phục vụ chiến sĩ biển xa, chiến sĩ hát tặng văn công; tất cả quây quần bên nhau, trao cho nhau những nụ cười, ánh mắt thiết tha, cùng hòa chung giọng, hát vang giữa mênh mông trời biển... Trong những khoảnh khắc của niềm yêu thương, xúc động ấy, mọi người dường như sống hết mình và rồi lại tiếc nuối, bịn rịn, luyến lưu phút chia tay, mong một ngày nào đó sẽ gặp lại.

Trần Mạnh Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.