Lời của rừng
“Ngày xưa, từ nhà tôi đến rừng chỉ khoảng 10 km. Rừng ngày ấy gần lắm. Còn bây giờ rừng lùi xa quá, phải đi cả trăm ki-lô-mét mới tới được rừng. Rừng không còn nguyên sơ, hoang dã và đầy đủ như ngày xưa nữa”, họa sĩ trẻ Nguyễn Huy Lộc gửi bầu tâm sự trong những câu chuyện nhỏ về rừng với sê-ri tác phẩm mang tựa đề “Chuyện của rừng” vừa được triển lãm như thêm một lời kêu cứu cho sự tận diệt của rừng Dak Lak.
Những năm trước đây, con số hơn 600 nghìn héc- ta với hệ sinh thái đa dạng và phong phú đưa rừng Dak Lak lên vị trí đầu bảng của cả nước, nhưng giờ đây niềm tự hào đã nhường chỗ cho nỗi đau. Rừng Dak Lak gánh trên vai mình trọng trách là rừng đầu nguồn, có ảnh hưởng đến các con sông lớn trong khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. 60, 70 năm trước đây, miền Trung và Tây Nguyên được giới chuyên môn đưa vào danh sách những vùng đất rất dễ bị tổn thương do địa hình dốc, dễ bị xói mòn. Nhưng sự kiến tạo của thiên nhiên cũng công bằng khi ban tặng cho những vùng đất này bảo bối quý, đó là rừng. Bình quân 1 ha rừng sau mùa mưa có thể giữ lại được 3 đến 4 mét khối nước. Thời kỳ hoàng kim ấy đã không còn khi những cánh rừng bị xâm hại nặng nề cả về lượng và chất. Giật mình trước những con số: Gần 10.000 ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm chỉ tính từ năm 2008 đến những tháng cuối năm 2012. 9 tháng năm 2012, trên địa bàn Dak Lak xảy ra 1.522 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có gần 1.000 vụ khai thác, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép. Độ che phủ của rừng nay chỉ còn 48,5%.
Có thể trồng lại rừng nhưng chỉ là rừng sản xuất |
Rừng bị hóa kiếp để thành đủ hình trạng. Không chỉ là chuyện khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, rừng bị khai hoang, xâm canh không thương tiếc. Nhiều cánh rừng già bị biến thành những diện tích để trồng hoa màu. Còn nhớ, khi nói về vấn nạn phá rừng làm nương rẫy, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Y Lin Niê đã thốt lên: “Nhức nhối lắm cô ạ nhất là từ năm 2000 trở lại đây nhưng chưa thống kê chính xác được con số cụ thể”. Vị phó chủ tịch này cũng thừa nhận là công tác quản lý của địa phương chưa chặt chẽ, xã không có đội quản lý bảo vệ rừng, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ. Dưới chân núi Chư Yang Reh, hàng trăm héc-ta rừng hầu hết nằm trong các chương trình giao khoán cho cộng đồng, thuộc địa bàn các xã Ea Trul, Yang Reh (huyện Krông Bông) và Yang Tao (huyện Lak) cũng đã bị chặt phá và thay vào đó là những rẫy ngô, lúa và sắn.
Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng là vùng đất có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Xây dựng công trình thủy điện là việc làm cần thiết để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện đã và đang làm mất hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh. Dư luận đã từng đặt câu hỏi: Tại sao, một công trình chỉ có 3 MW, mực nước của hồ chứa rất thấp ngay giữa mùa mưa, còn kênh dẫn nước chẳng khác những kênh mương thủy lợi nội đồng là mấy như Thủy điện Ea Kha, được xây dựng trên địa bàn xã Yang Mao, huyện Krông Bông phải đánh đổi hơn 40 ha rừng mà cũng được đồng ý để xây dựng. Đau xót hơn, việc xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác của người dân cũng tỷ lệ thuận theo con đường được mở lên công trình thủy điện. Rồi con suối Ea Kha, giờ cạn khô, trơ đá. Nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, một thắng cảnh đẹp lùi dần vào tiềm thức. Để tạo ra 1MW điện phải lấy đi ít nhất 10 ha rừng. Ngậm ngùi thử áp dụng công thức này vào khoảng 25 nhà máy đã và đang xây dựng tại Dak Lak, lại thấy thương cho rừng...
Hệ lụy từ sự “nở rộ” của các công trình thủy điện vẫn còn đó thì câu chuyện quản lý bảo vệ rừng lại “nóng” lên khi nhiều diện tích rừng tiếp tục được hóa kiếp từ những dự án kinh tế hợp pháp như chuyển đổi rừng để trồng cao su. Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo - những địa phương có nhiều dự án rừng được chuyển đổi, mấy năm nay thêm mất ăn mất ngủ vì rừng. Việc tận thu, khai thác gỗ thì tiến hành xong xuôi, chẳng thấy đơn vị nào kêu vướng. Còn thực hiện mục tiêu chính của dự án là trồng rừng, phát triển cây cao su thì chậm và rối như tơ vò. Dân tình xôn xao, doanh nghiệp cũng làm rừng được, còn mình tại sao không? Thế là xâm canh, lấn chiếm đất rừng dự án để đòi đền bù. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy đang rơi vào thế giẫm chân tại chỗ. Năm 2009, công ty này được UBND tỉnh quyết định cho thuê 698 ha đất tại các tiểu khu 248, 264 thuộc địa bàn xã Ea Lê, huyện Ea Súp để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu và trồng rừng kinh tế bằng cây cao su. Theo phương án đến hết năm 2010, Công ty trồng xong 430,3 ha cao su và 200 keo lai nhưng hiện cũng mới chỉ trồng được 190 ha cao su và 40 ha rừng nguyên liệu giấy chủ yếu là keo lai. Diện tích khai hoang và bị dân lấn chiếm lên tới 40 ha. Từ tháng 11-2011 đến nay, Công ty không trồng được thêm diện tích nào mà chỉ tập trung chăm sóc do cứ đưa máy vào làm là dân lại bị ngăn cản, lấn chiếm. Gần 4 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng sang trồng cao su, toàn tỉnh có gần 3.000 ha rừng và đất lâm nghiệp bị chặt phá và lấn chiếm thuộc sự quản lý của các dự án. Lại thêm những “nốt trầm” trong bản nhạc buồn về sự biến mất của rừng...
Còn để có được những cánh rừng nguyên sinh phải mất hàng trăm năm |
Biến đổi khí hậu không còn xa lạ với nhiều người nhưng hình như hành động để bảo vệ môi trường sống thì vẫn bị xem là “đâu phải chuyện của riêng mình”. Rừng đang nổi giận và đáp trả sự thái quá của con người. 20% lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển do mất rừng. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Còn với Dak Lak, có thể cảm nhận được nhiệt độ đang tăng lên. Lượng mưa trên địa bàn giảm so với trung bình nhiều năm giảm, tình hình khô hạn diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí diễn ra ngay giữa mùa mưa. Mưa lũ thì diễn biến phức tạp, chỉ mưa khoảng 3 ngày lũ đã lên cao, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Cứ nhìn vào Ea Súp, suốt 10 năm nay, chỉ vài trận mưa, chưa địa phương nào lụt thì Ea Súp đã lụt dù trước đó vẫn bị khô hạn. Cũng đúng thôi khi địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với hàng chục nghìn héc-ta rừng khộp có khả năng giữ nước này đang nhức nhối bởi tình trạng phá rừng.
Mất rừng không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Huyện Krông Bông nổi tiếng về quần thể sinh thái của Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, quần thể động, thực vật giàu có nhất còn lại ở Tây Nguyên. Nhưng một công trình thủy điện công suất chẳng thấm vào đâu như Nhà máy thủy điện Krông K’mar (công suất chỉ 12MW) cũng đã tàn phá mất 110 ha rừng nguyên sinh. Hàng trăm năm sau cũng không có lại được những khoảnh rừng tự nhiên quý giá như thế. Đặc biệt là hệ thống thủy sinh của gần 8 km dòng thác dẫn từ khu vực lòng hồ xuống địa điểm đặt nhà máy thủy điện bị biến đổi hoàn toàn. Nhiều công trình cấp nước tự chảy tại địa phương này cũng đang bị thiếu hụt nguồn nước.
Nhìn lại bức tranh về rừng, chợt nhớ về thời thơ bé nghe mẹ kể chuyện cổ tích: ngày xửa, ngày xưa trong một khu rừng già... Mất rừng, rừng đau, rừng khóc, rừng nổi giận. Lại thương cho hậu thế, nếu mai này rừng chỉ còn trong ký ức...
Ghi chép của Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc