Multimedia Đọc Báo in

“Hiện tượng 714”: Níu chân người ở lại với ruộng đồng

08:48, 11/06/2013

Có lẽ, đây là vùng quê duy nhất trên mảnh đất cao nguyên này mà con người không bị cuốn theo sự “cám dỗ” bởi sức hút tìm về chốn thị thành với khát vọng đổi đời. Bởi lẽ, tại nơi này, bằng nỗ lực tự thân không mệt mỏi, họ đã biến “giấc mơ triệu phú” trở thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất thân yêu của mình.

“Ea Pal, Ea Ô trước đây nổi tiếng là những xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Ea Kar. Vậy nhưng hôm nay, đường vào Ea Pal đã không còn xa nữa, đời sống của người dân nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày…”. Lời giới thiệu của ông Vũ Xuân Thu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 714 đã thôi thúc chúng tôi tìm về với Ea Kar.

“Hiện tượng 714”

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa 714 trên con đường nhựa phẳng lỳ, ông Thu tự tin khẳng định: Đời sống của người nông dân ở đây hôm nay đã khác xưa rất nhiều rồi. Tất cả cùng từ ruộng mà ra, người nông dân đã và đang giàu lên từ ruộng lúa!”. Câu chuyện về cánh đồng lúa 714 được ông Thu dẫn dắt theo dòng hồi tưởng của mình từ phiên hiệu 714 có từ hơn 30 năm về trước...

Ông chủ nhiệm HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đi kiểm tra ruộng lúa của bà con nông dân trước ngày thu hoạch.
Ông chủ nhiệm HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đi kiểm tra ruộng lúa của bà con nông dân trước ngày thu hoạch.

Sau ngày miền Nam giải phóng, một số đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn Dak Lak chuyển sang làm kinh tế. 714 chính là phiên hiệu của một Trung đoàn trước đây nhận nhiệm vụ khai hoang tại khu xã Ea Pal này… Bản thân ông Thu cũng là một trong những người tham gia khai hoang ở đây từ những ngày đầu thuộc Trung đoàn 714. Đến khoảng năm 1985-1988, Trung đoàn được chuyển đổi sang mô hình Nông trường cũng với tên 714 trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Năm 2006, thực hiện Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp, Nông trường 714 giải thể, toàn bộ tài sản, đất đai được chuyển giao lại cho huyện Ea Kar quản lý. Để ổn định đời sống sản xuất của người lao động, huyện Ea Kar đã thành lập một Ban điều hành sản xuất trên diện tích đồng ruộng của nông trường cũ. Tuy nhiên, công tác quản lý của Ban này đã sớm bộc lộ nhiều bất cập trong việc điều hành, quản lý… khiến hiệu quả sản xuất không cao.

Ông Thu kể: “Chỉ cách nay mấy năm thôi, đời sống người dân ở đây còn rất khó khăn. Giao thông trắc trở, dân trí lại thấp nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không đáng kể, thu nhập từ ruộng lúa của bà con không đáng bao nhiêu… Khi ấy, càng nghĩ tôi càng thấy tiếc cho cánh đồng lúa bao la rộng lớn này. Đấy là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của anh em đồng đội một thời hy sinh đánh đổi mới có được”.

“Phải thay đổi tư duy sản xuất, phải tìm cách giúp bà con nông dân làm giàu trên chính cánh đồng lịch sử này!” – Đắn đo, suy tính một thời gian dài, rồi ông Thu cùng mấy đồng đội cũ đi đến quyết định góp vốn thành lập HTX nông nghiệp để tập hợp bà con nông dân lại sản suất lúa theo hướng tập trung. Nghĩ là làm, sau một thời gian hoàn thiện thủ tục, ngày 25-6-2010, HTX Nông nghiệp 714 chính thức được thành lập, trụ sở đặt tại thôn 12 xã Ea Pal, huyện Ea Kar. HTX được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng cộng 383,7 ha lúa nước 2 vụ cùng toàn bộ tài sản trên đất để phục vụ cho sản xuất, gồm: 4 trạm bơm với 7 tổ máy, công suất 1000-1600 m3/giờ và toàn bộ kênh mương tưới tiêu nội đồng (6 km kênh bê tông kiên cố và 12 km các tuyến kênh đất) phục vụ tưới tiêu. Đổi lại, HTX phải gánh khoản công nợ 1,6 tỷ đồng do nông trường giải thể để lại.

Bắt tay vào hoạt động, Ban chủ nhiệm HTX tổ chức họp dân, ký kết lại hợp đồng giao nhận khoán và triển khai kế hoạch gieo trồng theo thời vụ. Theo đó, đã có đến 857 hộ dân ở địa bàn các xã Ea Pal, Ea Ô (huyện Ea Kar) và Ea Kly (huyện Krông Pak) ký hợp đồng với HTX để trồng lúa. Ông Thu tâm sự: “Nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn xanh tốt hôm nay, chợt nhớ lại những ngày tháng cơ cực năm xưa. Thời ấy nơi đây là một vùng rừng le, đất đai vô cùng cằn cỗi. Chỉ với đôi tay và ý chí quyết tâm của người lính, chúng tôi đã cùng với đồng đội cuốc từng gốc le, lật từng viên đá để lấy đất sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân… Cũng chính vì lẽ đó, chúng tôi lấy tên HTX 714 như một lời tri ân đối với những đồng đội Trung đoàn 714 ngày xưa, những người đã đóng góp công sức của mình để làm nên cánh đồng lúa xanh tốt hôm nay. Và cũng như để nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy cố gắng lao động, sản xuất để xứng đáng ý chí và truyền thống của những con người 714 năm xưa…”.

Đổi đời trên ruộng lúa!

Khi đã ổn định tổ chức, Ban chủ nhiệm HTX bắt đầu tính đến chuyện sản xuất lúa theo hướng tập trung như ý tưởng ban đầu. Trước mắt, do vốn điều lệ có hạn (chỉ vỏn vẹn có 720 triệu đồng), Ban chủ nhiệm HTX phải tìm đến từng gia đình có điều kiện vận động họ bỏ vốn đầu tư mua máy cày, máy gặt tham gia vào HTX; đồng thời kêu gọi các hộ có máy hoạt động riêng lẻ bên ngoài kết hợp với máy của HTX thành lập các tổ dịch vụ phục vụ sản suất. Kết quả là HTX đã thành lập được 4 tổ dịch vụ làm đất và máy gặt đập liên hoàn ở 4 đội sản suất, bảo đảm đủ công suất phục vụ cho nhu cầu của gần 400 ha lúa cả HTX.

Nhiều hộ gia đình nhận khoán với HTX 714 đã giàu lên nhờ lúa. Trong ảnh:  Ông Bùi  Văn Sóc  phơi lúa  trước sân  ngôi nhà mới khang trang vừa xây dựng).
Nhiều hộ gia đình nhận khoán với HTX 714 đã giàu lên nhờ lúa.

Chính nhờ sáng kiến thành lập các tổ dịch vụ ở các đội sản xuất đã góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cũng như thời gian làm đồng của người nông dân. Những năm trước, khi chưa thành lập HTX, người nông dân phải tự thuê máy cày, máy gặt, mạnh ai nấy làm nên năng suất không được bao nhiêu. Thêm vào đó các chủ máy lại tự động nâng giá, ép giá khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi. Giờ đây, HTX tổ chức hệ thống máy móc vào hoạt động và trực tiếp điều hành, quản lý giá cả nên đem lại hiệu quả rõ rệt. Ông Thu dẫn chứng: Nếu như trước đây, máy làm đất hoạt động đơn lẻ, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 1,5 ha, thì đến nay do được điều hành tập trung, làm theo kiểu “cuốn chiếu” từ xa đến gần, từ thấp đến cao nên máy đỡ phải di chuyển nhiều, mỗi ngày có thể làm đất từ 2 đến 2,5 ha.. Tính ra giá thành làm 1 ha đất cho đến khi gieo sạ đã giảm xuống cho xã viên và người lao động nhận khoán 300.000 đồng. Tương tự như máy làm đất, cách điều hành khoa học của HTX đối với máy gặt cũng đã giúp người nông dân tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng trên 1 ha. Chỉ tính riêng 2 khoản này thì mỗi năm, trên cánh đồng lúa này bà con nông dân đã tiết kiệm được trên dưới 500 triệu đồng.

Cùng với việc sắp xếp máy móc phục vụ sản xuất, Ban chủ nhiệm HTX cũng thường xuyên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông của huyện, của tỉnh; các công ty giống lúa lai, công ty phân bón… tổ chức các khóa hội thảo, tập huấn cho xã viên và người lao động để tiếp cận với tiếp bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó, việc gieo sạ của bà con tập trung, tiết kiệm được thời gian bơm nước, rút ngắn gần nửa thời gian gieo sạ. Chính nhờ các lớp tập huấn đã dần thay đổi tư duy của người nông dân trong gieo trồng lúa. Nếu như trước đây, người nông dân chỉ tập trung vào trồng các loại giống lúa thuần, năng suất thấp (tối đa chỉ khoảng 6 tấn/ha) thì đến nay, nhờ mạnh dạn đưa vào gieo trồng các loại giống lúa lai mới, cộng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt… năng suất bình quân lúa bình quân cho cả cánh đồng 714 đã đạt từ 7,5 đến 8 tấn/ha/vụ. Cá biệt, một số hộ đạt “kỷ lục” trên cánh đồng 714 này với năng suất trên 10 tấn/ha. Tính trung bình, mỗi xã viên cũng như hộ nhận khoán với HTX có mức thu nhập không dưới 3,5 triệu đồng/tháng. Đây quả là con số “ấn tượng” ở những vùng quê nghèo của Ea Kar, Krông Pak.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang ở thôn 3 xã Ea Ô (huyện Ea Kar), ông Bùi Văn Sóc phấn khởi khoe: “Có được cơ ngơi này cũng nhờ từ ruộng lúa mà ra. Ở vùng này, nhờ làm ruộng mà nhiều gia đình còn xây nhà to, nhà đẹp!”. Ông Sóc cho biết: Gia đình ông có 1,3 ha ruộng lúa nhận khoán từ khi còn Nông trường 714. Thời đó ruộng nhiều nhưng năng suất chẳng được bao nhiêu do mọi người làm theo kiểu manh mún nhỏ lẻ, từ việc làm đất đến gieo sạ, rồi nước non, phân bón... Từ ngày HTX 714 thành lập, bà con nông dân tham gia nhận khoán, họ đã hiểu được rằng: Trong cái lợi của tập thể có sự gắn kết mật thiết với từng cá nhân… Như bản thân ông Sóc, trước đây năng suất lúa của gia đình chỉ đạt chừng 5-6 tấn/ha/vụ thì đến nay đã tăng lên gấp đôi (trên 10 tấn/ha/vụ). Ngoài ông Sóc, còn có rất nhiều hộ nhận khoán với HTX đã và đang giàu lên nhờ trồng lúa, trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (1,5 ha), ông Dương Văn Quy (1,8 ha), ông Bùi Văn Nhượng (2 ha)… mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ lúa.

Có thể nói, cách quản lý và điều hành khoa học, có hiệu quả của HTX Nông nghiệp 714 đang như liều thuốc kích thích “níu” chân người nông dân ở lại với ruộng đồng… Những kết quả mà HTX Nông nghiệp 714 đạt được chỉ sau gần 3 năm thành lập thật sự là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, xứng đáng là một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Thành tích ấy của HTX Nông nghiệp 714 vừa được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen. Tuy nhiên, với Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp 714 thì những kết quả ấy chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình xây dựng một quy trình sản xuất nông nghiệp hoàn toàn khép kín, bền vững với những sản phẩm của riêng mình. Ông Thu trăn trở: “Với mô hình sản xuất hiện tại, về cơ bản thì đã ổn định nhưng chúng tôi vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bất lợi như: phân, giống, giá cả đầu ra hạt lúa… Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nông dân. Bởi vậy, tham vọng của chúng tôi là sẽ khép kín mọi công đoạn “từ A đến Z”, có nghĩa là phải làm thế nào để chủ động được nguồn giống, phân bón, thuốc trừ sâu để phục vụ sản xuất. Và điều quan trọng nhất chính là bảo đảm đầu ra ổn định cho hạt lúa của người dân…”.

Chứng kiến đời sống của người nông dân đang thực sự đổi thay từng ngày từ ruộng lúa, chúng tôi tin rằng “tham vọng” ấy của ông Thu là hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực. Bởi lẽ, HTX đã có hướng đi đúng để đem lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất, và hơn hết là niềm tin, là sự quyết tâm của người nông dân ngày đêm gắn bó với ruộng lúa để… làm giàu!

Ghi chép của Việt Cường


Ý kiến bạn đọc