Lại chuyện thu phí rút tiền mặt qua thẻ ATM
Sau nhiều lần bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từ chối, nay các ngân hàng thương mại lại “rục rịch” đề nghị cho phép thu phí rút tiền mặt tại ATM nội mạng, đồng thời tăng phí rút tiền ngoại mạng từ 3.000 lên 5.000 đồng/giao dịch, chưa tính VAT. Động thái này đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận…
Ngân hàng chịu lỗ để phục vụ khách hàng?
Một trong những lý do được các ngân hàng (NH) đưa ra khi đề nghị NHNN cho phép thu phí rút tiền mặt tại ATM là do NH đang phải bù lỗ cho dịch vụ này. Đối với phí ngoại mạng, hiện được thu 3.000 đồng/ lần giao dịch qua ATM ngoại mạng (thẻ NH này rút tại ATM NH khác), NH phải trả cho tổ chức chuyển mạch 1.500 đồng và chủ ATM (NH thanh toán) 1.500 đồng. Theo tính toán chưa đầy đủ, tổng chi phí cho mỗi giao dịch tại ATM trên 7.000 đồng, tính ra con số bù lỗ cho các giao dịch ngoại mạng mà các NH, đặc biệt là NH có ATM phải gánh vác là quá lớn. Riêng phí nội mạng, các NH lý giải, vì chi phí đầu tư mua máy, lắp đặt, bảo trì, chăm sóc, vận hành… hệ thống ATM rất lớn, trong khi các NH không có nguồn thu đối với khoản đầu tư này. Số tiền duy trì trong tài khoản của khách hàng chỉ tương ứng với số tiền các NH phải nạp sẵn vào các ATM cũng như dự trữ cho việc tiếp quỹ ATM, do đó NH không được hưởng lợi từ khoản này. Hơn nữa, số tiền trong tài khoản của khách hàng cũng được NH trả lãi suất không kỳ hạn, nên cần được thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp một phần chi phí đầu tư cho hệ thống này. Ngoài ra, để vận hành một mạng lưới ATM nhiều như hiện nay, các NH đều phải để một lượng tiền mặt rất lớn tại các ATM cũng như dự trữ cho tiếp quỹ ATM. Với tình hình rất khó khăn trong công tác huy động vốn như hiện nay thì các NH, đặc biệt là NH có mạng lưới ATM lớn, còn phải chịu áp lực nhiều trong việc bảo đảm nguồn tiền mặt đầy đủ, kịp thời phục vụ cho các ATM, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết, khi nhu cầu rút tiền tại ATM gia tăng đột biến. Ngoài ra còn có chi phí tốn kém nữa là công tác bảo vệ an toàn cho các máy ATM... Theo một số NH, chi phí tối thiểu cho một ATM hoạt động mỗi năm lên trên 300 triệu đồng. Trong đó, nặng nhất là chi phí khấu hao máy, hơn 100 triệu đồng; bảo trì, bảo dưỡng khoảng 60 triệu đồng; thuê mặt bằng và bảo vệ khoảng 30 triệu đồng…
Khách hàng sử dụng thẻ ATM chủ yếu để rút tiền mặt (ảnh minh họa) |
Quan điểm của NH là vậy, còn ý kiến khách hàng ra sao? Hẳn nhiều người biết, đặc thù của NH là có nhiều sản phẩm bán chéo, nên có thể lỗ ở sản phẩm này nhưng lãi ở sản phẩm khác. Có thể lỗ trong đầu tư vốn lắp đặt ATM, nhưng bù lại, NH có được một lượng tiền gửi giá rẻ, với lãi suất chỉ khoảng 3%/năm trong bối cảnh lãi suất huy động cao ngất ngưởng (17-18%) như hiện nay. Chưa kể, nhiều NH còn quy định số dư tối thiểu trong tài khoản thẻ, khoảng 50.000 - 100.000 đồng/thẻ, số dư này duy trì suốt trong quá trình hoạt động của thẻ cũng đồng nghĩa với NH phát hành một số vốn dài hạn không nhỏ. Đó là chưa kể khách hàng còn bị nhiều thiệt thòi do chất lượng dịch vụ phục vụ kém từ ATM: nuốt thẻ, lỗi, hết tiền, trừ tiền trong tài khoản mà không nhả tiền; thủ tục nhận lại thẻ, tiền cũng rắc rối không kém!
Một trong những tiện ích của thẻ ATM là thanh toán qua hệ thống POS, nhưng việc đầu tư cho POS hiện còn nhiều hạn chế nên thẻ ATM chủ yếu chỉ dùng để rút tiền mặt, và các ATM chẳng khác nào trạm trung chuyển tiền. Tính đến cuối năm 2010, toàn quốc có khoảng 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 máy ATM và gần 50.000 POS. Riêng tại Dak Lak có khoảng 420 ngàn thẻ, hơn 130 ATM và gần 150 POS. Tính ra, trên phạm vi toàn quốc, trung bình 1 POS phục vụ cho khoảng 570 thẻ, còn riêng Dak Lak, 1 POS phục vụ hơn 2.800 thẻ. Thật ra tỷ lệ thẻ/POS còn lớn hơn, do tại Dak Lak chưa kết nối liên thông hệ thống POS giữa các NH. Không chỉ số lượng POS ít, xung quanh việc sử dụng nó cũng còn nhiều điều đáng bàn. Hiện tại, phần lớn các điểm đặt POS đều không muốn khách hàng thanh toán qua POS vì sợ phải trả phí cho NH hoặc xảy ra các rắc rối khác như tính nhầm, trục trặc đường truyền… Một người công tác trong ngành NH kể rằng, tại một quán nhậu tương đối lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có đến vài ba POS của các NH khác nhau, nhưng khi anh đề nghị thanh toán qua thẻ thì nhân viên thu ngân không chịu, với lý do là thiết bị đã hỏng. Thực ra ở đây chẳng POS nào hỏng cả, mà chỉ do nhân viên đã rút phích cắm điện của máy POS ra khỏi ổ điện!
Công bằng mà nói, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khá xa lạ với số đông người dân không chỉ vì tập quán tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu vào họ mà còn một phần nào đó còn do từ phía NH, chưa tăng cường đầu tư phát triển mạnh những giao dịch chấp nhận thanh toán thẻ song hành cùng mạng lưới ATM. Nên chăng, thời gian tới NHNN nên áp dụng một số biện pháp đồng bộ trong việc lắp đặt, sử dụng các máy POS và khuyến khích khách hàng thanh toán qua POS. Riêng các NH thương mại, cần tập trung phát triển kênh thanh toán điện tử đa dạng và dễ sử dụng để thu hút người tiêu dùng tham gia; liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tạo dựng một thị trường thanh toán điện tử rộng khắp…
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc