14:21, 30/10/2011
Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mạnh tay xử lý các trường hợp “xé rào” trong huy động vốn, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng. Điều này phần nào cho thấy vấn đề thanh khoản tại một số ngân hàng không tốt, cần phải sáp nhập, hợp nhất để hình thành những ngân hàng đủ mạnh.
|
(Ảnh minh họa) |
Một số cán bộ ngân hàng cho biết, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao sau khi NHNN quyết liệt áp trần lãi suất huy động đồng Việt Nam ở mức 14%/năm. Mặc dù đây chỉ là mức lãi suất cục bộ ở một vài trường hợp, nhưng rõ ràng việc các ngân hàng cho vay lẫn nhau với mức lãi suất cao cho thấy tình trạng thanh khoản của một số ngân hàng không tốt, bởi lẽ: khi lãi suất huy động đồng loạt giảm về mức 14%/năm, lợi thế huy động vốn lãi suất cao ở một số ngân hàng nhỏ không còn nữa khiến một lượng tiền lớn bị rút khỏi hệ thống. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ khách hàng chuyển sang đầu cơ vào vàng và ngoại tệ cũng khiến vốn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng bị tụt giảm đáng kể. Huy động vốn từ dân cư gặp khó, trong khi việc tiếp cận nguồn tái cấp vốn từ NHNN cũng không dễ dàng và lãi suất tương đối cao (từ ngày 10-10-2011, lãi suất tái cấp vốn là 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 16%/năm) khiến các ngân hàng nhỏ càng khó khăn hơn trong việc bảo đảm thanh khoản. Trong điều kiện này, các ngân hàng nhỏ chỉ còn cách vay vốn của các ngân hàng khác trên thị trường liên ngân hàng. Cầu vay tăng mạnh đã kéo lãi suất cho vay trên thị trường này liên tục tăng cao.
Các chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng: so với quy mô nền kinh tế của nước ta hiện nay, việc có đến hơn một trăm ngân hàng (trong đó có không ít ngân hàng quy mô nhỏ) đang hoạt động là không hợp lý; vì vậy cần phải tổ chức lại cho phù hợp. Vấn đề tái cấu trúc ngân hàng đã đặt ra từ trước và được xem là nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính với quy mô lớn, uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống. Đây là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện để bảo vệ hệ thống ngân hàng, đồng thời củng cố uy tín của ngành và niềm tin của người dân.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc