Nghĩa vụ góp vốn liên quan đến trách nhiệm nộp thuế và thanh toán nợ của các công ty
Tính đến hết tháng 9-2011, trên địa bàn tỉnh đã có 6.000 doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau đăng ký thành lập để hoạt động kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp dân doanh chiếm trên 90%; doanh nghiệp đăng ký loại hình công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần) chiếm 61% tổng số doanh nghiệp. Với nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay có khoảng trên 30% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Trong số các công ty ngừng hoạt động, có không ít đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, hoặc không thanh toán hết các khoản nợ cho các đối tác kinh doanh và người lao động. Khi các cơ quan thuế hoặc cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì công ty không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Vậy sự thật có phải tất cả các công ty ngừng hoạt động đều không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ của mình?
Trong nền kinh tế thị trường, nhiều công ty không lường hết được các rủi ro, dẫn đến lâm vào tình trạng thua lỗ, mất vốn. Trong trường hợp công ty dùng toàn bộ số tài sản là vốn góp của chủ sở hữu, vốn tích lũy của mình trong kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác để kinh doanh mà bị thua lỗ thật sự thì cũng cần sự cảm thông chia sẻ của mọi người. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty đăng ký vốn điều lệ hàng tỷ đồng nhằm mục đích khuếch trương để ký được hợp đồng kinh tế với giá trị lớn, nhưng các thành viên hoặc cổ đông của công ty không góp đủ số vốn như đã cam kết. Khi kinh doanh đổ bể, họ tìm cách trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ về tài sản, tự tuyên bố hoặc báo cáo công ty không còn tài sản do bị thua lỗ trong kinh doanh để không phải nộp thuế và trả nợ. Thực tế đã xảy ra trường hợp công ty còn nợ thuế hoặc nợ các chủ nợ khác, nhưng người chủ sở hữu công ty vẫn mua sắm tài sản đắt tiền cho riêng mình. Nhiều trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan thi hành án phải dừng việc áp dụng biện pháp cưỡng chế do công ty không còn tài sản.
Các doanh nghiệp thủy điện luôn đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Đặng Bá Tiến |
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xác định khoản nợ phải thu cho công ty từ chính người chủ sở hữu công ty đó được xác định rõ như sau:
-Trong doanh nghiệp thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp (điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2005). Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết (khoản 2 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2005).
-Trong công ty cổ phần, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (điểm c khoản 1 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2005). Khi số cổ phần đăng ký góp của cổ đông sáng lập chưa được góp đủ, thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó (điểm c khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005).
Từ các quy định trên, khi xác định tài sản của công ty, các cơ quan chức năng cần xác định xem người chủ sở hữu công ty đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn cho công ty hay chưa, thể hiện tại sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; hoặc sổ đăng ký cổ đông, tờ cổ phiếu của cổ đông đối với công ty cổ phần. Ngoài ra, trong phần nguồn vốn, tại mục “B – Vốn chủ sở hữu” ở Bảng cân đối kế toán của công ty cũng được ghi nhận rõ giá trị vốn đã góp của các thành viên hay của cổ đông công ty.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu trên tài khoản của công ty không còn số dư hoặc không thể xác định công ty còn các tài sản khác, nhưng người chủ sở hữu công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn cho công ty, thì các cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để buộc các thành viên hoặc cổ đông chưa góp đủ vốn phải dùng tiền, tài sản thuộc sở hữu của họ tương ứng với số vốn mà họ chưa góp vào công ty để thi hành các quyết định hành chính thuế hoặc quyết định thi hành án đối với công ty. Đây chính là việc “thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ” được quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để có đầy đủ căn cứ buộc các công ty và chủ sở hữu công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách, hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ cho các chủ nợ và thanh toán tiền công cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời các tổ chức, cá nhân thi thành lập công ty cần trung thực trong việc xác định khả năng vốn góp của mình vào công ty để cam kết góp vốn, kê khai vốn điều lệ phù hợp với khả năng góp vốn của thành viên, cổ đông, bởi quyền lợi bao giờ cũng đi liền với nghĩa vụ.
Ý kiến bạn đọc