Multimedia Đọc Báo in

Năm 2011 – Năm “đình đám” của vàng

16:04, 22/01/2012

Tiếp nối năm 2010, năm 2011 đánh dấu những đỉnh cao của một thập kỷ liền giá vàng tăng giá liên tục, giá vàng thế giới lập kỷ lục ấn tượng nhất trong lịch sử là 1.431,95 USD/ounce.

“Ngợp thở” với giá vàng
Năm 2011, giá vàng đã có những mốc tăng giảm ngoạn mục. Ngay trong sáng giao dịch đầu tiên của năm 2011 (ngày 4-1), giá vàng đã được niêm yết ở mức 36,1 triệu đồng/lượng. Ngày 19-2, vàng được thiết lập ở mức 38,5 triệu đồng. Suốt trong vòng 5 tháng, giá vàng dao động quanh mốc 38 triệu đồng/lượng. Đến ngày 19-7, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới lên mức kỷ lục mới 39,59 triệu đồng/lượng. Và liên tiếp những ngày sau đó giá vàng liên tục phá vỡ kỷ lục của chính nó. Tháng 8 là tháng diễn biến của giá vàng có nhiều đợt tăng đột biến. Trong tháng, chỉ có một phiên giảm duy nhất là vào ngày 10-8 sau quyết định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng lại tăng khá mạnh. Tính chung từ đầu tháng 8 đến ngày 22-8, vàng đã tăng tới 8,6 triệu đồng/lượng. Ngày 9-8 được coi là ngày "điên loạn" của vàng, thay đổi giá 42 lần/ngày. Mức giá cao nhất của năm 2011 được thiết lập vào ngày 22-8 khi giá vàng lên sát mốc 49 triệu đồng/lượng, vượt xa mọi dự đoán của giới chuyên gia. Ngày 25-8, vàng lao dốc không phanh, giảm sâu còn 46 triệu đồng/lượng bán ra, 45,5 triệu đồng/lượng mua vào. Bước sang tháng 9, giá vàng dao động ở biên độ hẹp hơn. Ngày 20-9 giá vàng trở lại mốc 47 triệu đồng/lượng do giá vàng thế giới đồng loạt tăng mạnh. Với mức giá này, vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới đến 1,8 triệu đồng/lượng. Ngày 21-9, để đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân, SJC đã phải lấy vàng trong kho dự trữ ra bán hết.

Giải mã
Thực tế cho thấy, giá vàng thế giới trong năm 2011 tiếp tục tùy thuộc nhiều và trực tiếp vào sự cải thiện tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung; trạng thái mua vào của các ngân hàng quốc gia, các quỹ đầu tư vàng; chính sách tài chính - tiền tệ, tình hình nợ công và cân đối vĩ mô của các nước. Trong bối cảnh áp lực tăng lạm phát toàn cầu và suy giảm hệ số tín nhiệm, nhất là trái phiếu chính phủ của hàng loạt các con nợ và cả các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, xu hướng tiếp tục gia tăng dự trữ vàng vẫn là chủ đạo trong trung hạn, cả ở cấp vĩ mô, lẫn vi mô. Vàng trở thành “hầm trú ẩn, là kênh ưa thích của giới đầu tư. Hơn nữa, giá vàng trong nước năm 2011 ngoài những nhân tố trên, còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các áp lực điều chỉnh tỷ giá và tăng khá mạnh giá một số mặt hàng trong diện Nhà nước quản lý như giá điện và than; cũng như tùy thuộc vào lượng nhập khẩu các hàng hóa và nguyên liệu…

Năm 2011 thị trường vàng để lại nhiều “dấu ấn”
Năm 2011 thị trường vàng để lại nhiều “dấu ấn”

Trên thực tế, tại Việt Nam, vàng miếng từ lâu đã được coi là thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ các thuộc tính tiền tệ. Vàng được coi là “vịnh tránh bão” trong bối cảnh lạm phát cao, đồng tiền bị mất giá, các kênh đầu tư khác bấp bênh, giá vàng lại liên tục tăng. Thói quen tích trữ vàng của người dân cũng có từ lâu, cộng với các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm cho tình trạng vàng hóa càng thêm trầm trọng.

“Nối dài” cánh tay quản lý
Vàng là hàng hóa đặc biệt, vừa là hàng hóa, vừa có chức năng của tiền tệ. Những biến động của giá vàng cũng như những động thái điều hành, quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần ổn định thị trường tài chính nói riêng, đời sống kinh tế-xã hội nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thời điểm cuối năm 2011, NHNN đã chính thức trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, gồm 7 chương 24 điều. Các quy định của dự thảo nghị định này được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân. Theo đó, NHNN sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác. Dự thảo cũng có những quy định tạo cơ chế cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường qua các hoạt động: cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng; nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế.

Để “nối dài” cánh tay quản lý, điều chỉnh giá vàng, cũng vào những ngày cuối năm 2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố vàng SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Điều này đã thể hiện rõ quan điểm: NHNN sẽ giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng vì SJC hiện đã chiếm 90% thị phần. Theo phân tích của một số chuyên gia, hướng độc quyền quản lý là một lựa chọn “khôn ngoan”. Thay vì trực tiếp kiểm soát việc xuất – nhập khẩu vàng miếng, NHNN sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp thực hiện việc này. Nhưng khác với việc có nhiều nhãn hiệu vàng miếng khác nhau như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đều chung một nhãn hiệu SJC. Hay nói cách khác, SJC trở thành một nhãn hiệu tập thể về vàng miếng của Việt Nam, chất lượng được kiểm soát hoàn toàn bởi NHNN Việt Nam. Với cách thức quản lý này, NHNN sẽ không phải trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng vẫn nắm được đầy đủ thông tin về thị trường vàng miếng, trong khi đó, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc mua – bán vàng tài khoản ở nước ngoài trên thế giới để phòng ngừa rủi ro. Thêm nữa, với khả năng quản lý khác nhau, các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng mang nhãn hiệu tập thể SJC hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhau để cung ứng cho thị trường mức giá tốt nhất. Rõ ràng, với cách thức này, NHNN vừa có khả năng quản lý được các doanh nghiệp vừa điều tiết được thị trường.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc