Multimedia Đọc Báo in

Cuối năm lại lo hàng giả...

08:21, 18/01/2013

Gần tết, nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng lên từng ngày,  hàng hóa, bánh kẹo, mứt phục vụ tết vì thế cũng vào mùa sôi động. Dạo quanh thị trường tết năm nay, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: Trung tâm thương mại Buôn Ma Thuột, chợ Tân An, Nguyễn Viết Xuân… thời điểm này hàng thực phẩm khô như măng khô, mộc nhĩ… đã được tiểu thương nhập về với số lượng lớn; bánh kẹo, mứt cũng được bày bán khá nhiều, với đủ màu sắc, chủng loại. Bên cạnh số ít bánh kẹo cao cấp thì chủ yếu vẫn là bánh kẹo bình dân, với giá vài chục đến 100.000 đồng/ kg.

Điều đáng nói là các loại bánh, kẹo được bày bán không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đựng trong các túi ni lon lớn được các tiểu thương cân ký bán cho khách hàng rất chạy. Hầu hết các loại này đều có giá rẻ, màu sắc bắt mắt nhưng chất lượng thì chưa hề được kiểm định, công bố theo quy định. Theo tìm hiểu, phần lớn trong đó là bánh kẹo Trung Quốc, số ít còn lại là của các cơ sở thủ công trong nước sản xuất, nhưng không bao bì, nhãn mác hoặc chỉ có mảnh giấy nhỏ ghi tên cơ sở sản xuất, nhưng lại không ghi rõ thành phần, nguyên liệu, hạn sử dụng, tập trung chủ yếu là các loại kẹo dẻo, mềm, hoa quả … Thậm chí, có những chiếc bánh, kẹo với lớp vỏ bóng bên ngoài ghi vài dòng chữ Trung Quốc, bao bì nhàu nát, cũ kỹ, được đưa về bán ở những nơi người tiêu dùng có mức thu nhập thấp tại các vùng nông thôn. Đáng kể nhất là các sản phẩm mứt, ô mai, xí muội không rõ nguồn gốc, không hề có một thông tin gì về sản phẩm, hoặc chỉ có vài dòng chữ nước ngoài màu đỏ, xanh được bày bán công khai và không được che đậy cẩn thận. Để “đối phó” với tâm lý cảnh giác của khách hàng với hàng Trung Quốc, nhiều tiểu thương đã kịp thay bao bì mới cho sản phẩm, đựng vào túi ni lon loại lớn rồi cân theo ký bán cho khách hàng.

Mặc dù các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra hàng hóa, bánh kẹo phục vụ tết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn hết. Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng được các đối tượng vận chuyển tinh vi vào đêm khuya hoặc ngày lễ, ngày giáp tết; có cử người dò đường, giấu hàng hóa ở những nơi khó phát hiện như thùng xe, ca bin xe hoặc trà trộn vào hàng hóa khác. Mới đây nhất, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện xe tải chở hàng nhập lậu, với số lượng lớn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ được trà trộn vào số hàng hóa, bánh kẹo có đầy đủ nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ.

Ngày nay, dù các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều, nhưng chợ truyền thống vẫn còn sức hút riêng. Đặc biệt, vào thời điểm cận tết, thú vui dạo một vòng quanh chợ tết để “thấy” không khí mùa xuân đang đến gần, để được mặc cả, trả giá… Văn minh chợ truyền thống mang hương xuân đến thật nhuần nhị và gần gũi. Thế nhưng, dịp cận tết, nơi đây rất có thể sẽ biến thành thị trường “màu mỡ” để các đối tượng gian lận thương mại, tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra tiêu thụ. Vì thế, cũng rất cần sự tập trung kiểm soát thị trường quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, nhất là tại các chợ truyền thống để người dân trên địa bàn vui xuân đón tết được trọn niềm vui và an toàn cho sức khỏe.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.