Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp - một căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rõ rệt ở nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới đã gọi bệnh tăng huyết áp là “Kẻ giết người số một”, “Kẻ giết người thầm lặng”, khi nó là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tàn phế do các biến chứng về tim, não, mạch máu hiện nay.
Tăng huyết áp là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và nó gây không ít rắc rối, nguy hiểm cho những người mắc phải. Trên thế giới, mỗi năm có 17,5 triệu người tử vong do tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch. Còn tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới đây, từ tuổi 25 trở lên, cứ 100 người thì có tới 27 người bị tăng huyết áp, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: người cao tuổi, cán bộ, công chức văn phòng, những người luôn phải chịu những căng thẳng và áp lực trong công việc; những người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, béo phì, người có thói quen không tốt trong ăn uống và chế độ sinh hoạt.
Ảnh minh họa |
Tăng huyết áp gây nên những biến chứng nặng nề về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim. Các biến chứng về não như: xuất huyết não, nhũn não... ngoài ra còn các biến chứng về thận, mắt hay mạch máu. Đây là những biến chứng vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến bệnh nhân, gia đình, xã hội. Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có dấu hiệu cảnh báo trước, nhiều khi, người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao, người bệnh phải thường xuyên theo dõi huyết áp của mình.
Tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện, chỉ bằng cách đo huyết áp đơn giản và có thể điều trị, vì thế, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cổ vũ lối sống lành mạnh, thay đổi các lối sống, thói quen có hại của bản thân mỗi người chính là vũ khí hữu ích hàng đầu trong cuộc chiến chống lại kẻ thù thầm lặng này.
Để phòng chống bệnh tăng huyết áp, cần lưu ý những điều sau: giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều chất béo bão hòa; hạn chế uống rượu, bia; không ăn mặn; tập thể dục đều đặn hàng ngày; tránh căng thẳng lo âu, nên tự tạo một cuộc sống hài hòa, vui vẻ; kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình; kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu,…); uống thuốc huyết áp đều đặn, không tự ý bỏ thuốc.
Theo VTV
Ý kiến bạn đọc