Multimedia Đọc Báo in

Viêm xoang - Bệnh không chỉ của mùa lạnh

22:38, 03/10/2011

Trước đây, viêm mũi, viêm xoang được coi là căn bệnh của mùa lạnh, của thời tiết lúc giao mùa. Nhưng hiện nay ngay cả khi thời tiết đã sang hè, viêm mũi, viêm xoang vẫn đang khiến không ít người phải khó chịu, khổ sở.

Nguyên nhân gây bệnh

Mặt và sọ gồm nhiều khối xương tiếp với nhau. Trong các khối xương vùng mặt có những lỗ trống và những lỗ trống này được gọi là xoang. Xoang lớn nhỏ tuỳ từng vị trí và đều có đường thông vào hốc mũi và bao bởi niêm mạc, chứa không khí. Xoang chỉ bình thường khi lỗ thông mũi không bị nghẽn. Nếu đường thông vào mũi bị nghẽn, vi khuẩn sẽ gây tác hại trong xoang, dẫn tới viêm nhiễm. Có thể viêm một xoang (thường là xoang hàm) hoặc đa xoang và nhiều loại như: viêm xoang dị ứng, dày niêm mạc xoang, trong xoang có mủ, u nhầy hoặc polýp (dạng u nhí lành tính, có cuống).

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang như bị viêm nhiễm làm cho sự lưu thông không khí giữa các xoang bị ứ trệ, chất nhầy ở niêm mạc các xoang tiết ra không được lưu thông tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đối với vi khuẩn thì có một số bình thường sống ký sinh ở trong xoang không gây bệnh, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh (ví dụ do niêm mạc xoang bị tắc nghẽn, bị viêm nhiễm do virút. Viêm xoang cũng hay gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng (gặp phải thức ăn có tính chất gây dị ứng, phấn hoa, hóa chất, đang bị dị ứng như: mề đay, chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng kéo dài…) làm cho niêm mạc các xoang bị phù nề gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển rồi gây bệnh. Hoặc có thể do bị sâu răng, nhiễm trùng răng, đặc biệt là ở hàm trên; người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng, những người mắc bệnh đường hô hấp mạn tính kéo dài, dùng kháng sinh không hợp lý làm cho vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Ngoài ra, môi trường sống không trong sạch, khói bụi, khói bếp, khói thuốc lá cũng là những yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm xoang.

 

Công nhân vệ sinh môi trường là những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm xoang. Ảnh minh họa

Bệnh không chỉ của mùa đông

Không chỉ xuất hiện rầm rộ trong mùa đông, không ít người còn khốn khổ vì căn bệnh này trong mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường, khói xe, ô nhiễm môi trường và hơn cả là làm việc quá thường xuyên trong môi trường có điều hòa nhiệt độ. Khi chênh lệch nhiệt độ giữa phòng điều hòa và ngoài trời quá lớn, độ ẩm quá thấp, hệ thống máy lạnh không được làm vệ sinh thường xuyên, không khí trong phòng không được lưu thông tự nhiên nên vi khuẩn, nấm mốc, virut phát triển nhanh… đã dẫn tới bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng và viêm xoang.

Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang còn hay gặp nhiều ở những đối tượng làm những nghề tiếp xúc với khói, bụi, như thợ mộc, thợ xây dựng, công nhân quét đường… Nhiều trường hợp mắc bệnh do đi ngoài đường thường không đeo khẩu trang, hoặc sống ở khu vực có môi trường bị ô nhiễm. Đây chính là những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh viêm mũi, viêm xoang chiếm số đông tại các khu đô thị và khi thời tiết đã vào hè, bệnh vẫn không thuyên giảm.

Phòng bệnh lúc “trái mùa”

Để giảm thiểu nguy cơ bị viêm xoang “trái mùa”, khi dùng điều hòa, chỉ nên để nhiệt độ chênh với môi trường không quá 8-10oC (nhiệt độ tối ưu là 26oC), nên có máy tạo độ ẩm dạng phun hơi nước hoặc đơn giản là một chậu nước để trong phòng. Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm, giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, ăn uống đủ dinh dưỡng. Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa (nhất là với trẻ em) mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi. Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần đến ngay bệnh viện, không nên tự mua thuốc điều trị. Còn đối với những người đã bị viêm xoang thì khi bị bệnh không chỉ dùng các loại thuốc giảm nhanh các triệu chứng khó chịu mà quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết triệt để bệnh như rửa mũi xoang đúng cách bằng nước muối sinh lý và dùng các loại thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc