Không nên dùng thuốc tùy tiện
Không dùng thuốc đúng theo chỉ định, bỏ thuốc nửa chừng, tự ý mua thuốc dùng theo đơn để sử dụng được xem là thói quen xấu ở nhiều người. Việc dùng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, đôi khi phải đánh đổi bằng chính tính mạng.
Một thực tế đáng ngại đang diễn ra là nhiều người tự tìm mua các loại kháng sinh loại mới nhất như các thuốc fluoroquinolon, cephalosporin thế hệ thứ ba, thứ tư theo "mách nước" của bạn bè chỉ để trị những bệnh thông thường. Trong khi việc dùng không đúng thuốc có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và tăng nguy cơ kháng thuốc. Ðó là chưa kể tới những trường hợp dùng không đúng loại kháng sinh cho trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, sẽ dẫn tới nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Hiện nay, kháng sinh là một trong những loại thuốc hay bị sử dụng tùy tiện, bởi theo quan niệm của nhiều người, loại thuốc này hữu dụng với nhiều bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh là thuốc điều trị nhiễm trùng hiệu quả nếu nhiễm trùng đó do vi khuẩn gây ra, còn nhiễm trùng do vi rút hoặc do ký sinh trùng gây ra thì dùng thuốc kháng sinh lại không có tác dụng. Nếu người dùng không có những hiểu biết cơ bản về thuốc và sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện kéo dài sẽ dễ bị tai biến và tình trạng kháng kháng sinh. Trên thực tế, nhiều bệnh lý như viêm xoang, viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da... là các tình trạng nhiễm khuẩn, người bệnh có thể cần tới kháng sinh để điều trị. Nhưng dùng loại nào và liều lượng ra sao, chỉ có bác sĩ mới chỉ định đúng. Chính vì vậy, để các loại thuốc phát huy được hiệu quả trong điều trị bệnh, cần tuân thủ một số nguyên tắc:
![]() |
Khi sử dụng thuốc nên dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh: K.O |
Thứ nhất, không nên dừng sử dụng kháng sinh nửa chừng hoặc kéo dài thời gian sử dụng: Thông thường, đủ liều cho một đợt kháng sinh phải kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, thậm chí có thể hơn, tùy từng loại bệnh và sự tiến triển của bệnh. Nếu dùng không đủ liều, đủ thời gian, vi khuẩn không bị tiêu diệt hết sẽ trỗi dậy và phát triển thành chủng vi khuẩn đề kháng mà kháng sinh cũ không còn tác dụng nữa.
Thứ hai, không mách cho người khác dùng kháng sinh khi thấy bệnh của họ giống bệnh của mình, bởi triệu chứng bệnh có vẻ giống nhưng nguyên nhân bệnh có thể khác. Thêm vào đó, một kháng sinh thích hợp với người này chưa chắc hiệu quả với người khác, thậm chí có thể gây tai biến.
Thứ ba, không nên dùng kháng sinh còn thừa trong tủ lâu ngày, vì có thể thuốc đã quá hạn. Nhiều kháng sinh quá hạn có độc tính rất cao (chẳng hạn như tetracylin quá hạn rất độc cho thận).
Thứ tư, người bệnh không nên dùng lại đơn thuốc cũ của chính mình khi đã khỏi bệnh một thời gian và bị bệnh trở lại. Bởi vì một toa thuốc chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong một điều kiện nhất định. Khi bệnh tái phát có thể không còn ở tình trạng cũ mà đã diễn tiến phức tạp và nặng thêm, khi đó đơn thuốc cũ không còn thích hợp nữa. Việc đi khám và được tư vấn dùng thuốc là rất quan trọng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý đến các loại thuốc thông thường vẫn hay sử dụng nhiều như cảm sốt - nhức đầu, hoặc chỉ là thuốc bổ vi-ta-min và chất khoáng. Ðôi khi các loại thuốc này có thể thành "con dao hai lưỡi", mặc dù trong đa số trường hợp, chúng không dẫn tới sự nguy hại nào. paracetamol nếu dùng quá nhiều sẽ gây hoại tử gan. Với trẻ em, không được dùng paracetamol quá năm ngày để hạ sốt (ngoại trừ có sự chỉ định của bác sĩ)... Nhiều người vì quá lo lắng cho sức khỏe, chỉ thấy hơi khó chịu đã mang thuốc ra uống, nếu chẳng may uống phải những loại thuốc có tên biệt dược khác nhau nhưng cùng chứa chất paracetamol sẽ dẫn tới ngộ độc do quá liều. Ðối với thuốc trị cảm, sổ mũi, có chứa nhiều hoạt chất, cần phải được sử dụng cẩn trọng. Vì ngoài paracetamol, thuốc còn chứa thêm hoạt chất kháng histamine chống dị ứng (như clorpheniramin) có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không phù hợp cho những người đang làm công việc cần sự tỉnh táo như lái xe, công nhân vận hành máy móc. Thuốc lại chứa thêm hoạt chất giúp co mạch chống sung huyết ở niêm mạc mũi làm hết sổ mũi, nghẹt mũi (như phenylpropanolamin nay thuốc này đã bị cấm, hay pseudoephedrin, phenylephrin) nhưng không thích hợp với người bị bệnh tăng huyết áp. Với thuốc bổ sung vi-ta-min và chất khoáng cũng thế, cần uống đúng liều chứ không thể uống tùy tiện. Nếu uống quá liều cũng dễ gây ngộ độc.
K.O (nguồn: Nhân dân)
Ý kiến bạn đọc