Multimedia Đọc Báo in

Cam kết WTO về dịch vụ phân phối: Những vấn đề đặt ra với thị trường trong nước

09:50, 02/07/2010
Hội thảo "Các cam kết WTO về dịch vụ phân phối: Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam," do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức ngày 29-6 tại Hà Nội đã rà soát, đánh giá lại thực trạng thị trường phân phối của Việt Nam sau khi gia nhập WTO cũng như những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các cam kết WTO về dịch vụ phân phối.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, mặc dù bán lẻ là kênh tiêu dùng ngày càng quan trọng, nhưng hiện mới chỉ chiếm 22% trên cả nước.
ảnh bán lẻ
Phân phối hàng hóa qua kênh bán lẻ truyền thống
Con số này vẫn ở mức độ thấp so với các quốc gia khác, như Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%...
Sau hơn một năm mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn thiếu vắng nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan, với việc chủ động mở cửa thị trường sớm hơn các cam kết trong khuôn khổ WTO và là một thị trường lớn với 84 triệu dân, có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng, Việt Nam đã và đang có sức hút hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ hàng đầu thế giới. Theo Tiến sĩ Mỹ Loan, việc mở cửa thị trường đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững, cần có chiến lược dài hạn cho ngành phân phối-bán lẻ từ phía Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển hệ thống phân phối-bán lẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc hội nhập và phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tuy được coi là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nhưng ở một góc độ khác, cũng sẽ tạo áp lực lớn đến các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà phân phối trong nước. Đã có những ý kiến cảnh báo về nguy cơ khu vực phân phối bán lẻ bị lấn át bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lan rộng sang cả lĩnh vực bán buôn, gây ảnh hưởng đến sự  bảo đảm cân đối ổn định vĩ mô chung trong toàn bộ mạng lưới sản xuất của nền kinh tế. Ông Hans Farnhammer, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, bên cạnh đó các doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong nước với sản phẩm, dịch vụ của mình.
H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc