Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước: đối mặt với nhiều thách thức

09:32, 01/07/2010
Diễn đàn “Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trước và sau chuyển đổi” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) phối hợp cùng Câu lạc bộ DNNN tổ chức ngày 29-6 đã nhấn mạnh: khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật DN 2005 từ ngày 1-7-2010, DNNN sẽ phải đối mặt với  những thách thức lớn.
Còn khoảng 1.500 DNNN chưa kịp cổ phần hóa
kiểm tra hoạt động tại một doanh nghiệp nn đã cph
Kiểm tra hoạt động tại một DNNN đã chuyển đổi sang Cty TNHH Một thành viên
Theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1-7-2010, những DNNN đang tồn tại, nếu không cổ phần hóa (CPH) kịp sẽ phải chuyển sang công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo Luật DN 2005. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu CPH 1.000 DN trong giai đoạn 2007 – 2010 vẫn chưa đạt được. Theo CIEM, trong 3 năm 2007 - 2009, việc CPH gần như dậm chân tại chỗ, với số DN được CPH trong năm 2007 chỉ là 150 DN, năm 2008 là 98 DN, năm 2009 khoảng 60 DN. Do đó, sẽ còn khoảng 1.500 DNNN chưa kịp CPH sẽ phải chuyển đổi sang công ty TNHH Một thành viên trong thời gian tới.
Cũng theo CIEM, đến thời điểm này đã có khoảng hơn 300 DNNN độc lập và đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước chuyển thành công ty TNHH Một thành viên. Trong đó, phần lớn là các DNNN địa phương (chiếm 65,4%), còn lại là các DN do Trung ương quản lý. Việc chuyển đổi này nhằm đổi mới tổ chức quản lý, cơ chế quản lý của loại hình DN 100% vốn Nhà nước, tạo sự bình đẳng với các DN khác theo thông lệ kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực tế, đây là một quá trình “công ty hóa” của công ty Nhà nước, tạo vị thế cho DNNN thành công ty có địa vị là một pháp nhân kinh tế, có tư cách pháp nhân, tài sản độc lập với các nhân và tổ chức khác, kể cả với Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước đối với công ty TNHH Một thành viên là công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Khác với cổ phần hóa, chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH Một thành viên không làm thay đổi sở hữu. Tuy mang tên công ty TNHH, nhưng DN vẫn là của Nhà nước, thay đổi căn bản là ở mặt trách nhiệm. Sau khi chuyển đổi, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, không được “dựa dẫm” vào Nhà nước như trước. Là chủ sở hữu, Nhà nước có quyền và trách nhiệm quản lý kinh doanh đối với DN, nhưng trách nhiệm vật chất của Nhà nước lại chỉ gói gọn trong số vốn đã đầu tư vào DN - đúng nghĩa đen của cụm từ TNHH.
 Nhiều khó khăn trong chuyển đổi
Nhận xét về những vướng mắc trong việc chuyển đổi DNNN theo Luật DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chưa xác định rõ ràng chủ sở hữu nhà nước đã dẫn tới tình trạng khó định hình cơ cấu quản trị DN. Thêm vào đó, việc thực thi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước thông qua hệ thống người đại diện cũng đang phát sinh nhiều bất cập…
Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định 25 của Chính phủ đã chỉ định những tổ chức được trao quyền chủ sở hữu công ty TNHH Một thành viên. Song, cần thấy rằng những tổ chức đó chỉ được Nhà nước trao quyền chủ sở hữu, còn chủ sở hữu thực sự của công ty cổ phần (về phần vốn Nhà nước) và công ty TNHH Một thành viên vẫn là Nhà nước. Do Nhà nước là một thiết chế, không thể trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu trong quản lý cụ thể, nên Nghị định 25 phải cá nhân hóa quyền đó. Tuy nhiên, việc đó cũng chưa triệt để. Cá nhân duy nhất được chỉ định làm chủ sở hữu trong một số trường hợp là Thủ tướng Chính phủ. Còn các trường hợp khác, chủ sở hữu được chỉ định đều là tổ chức (Bộ, UBND tỉnh, thành phố, công ty mẹ các loại…).
Điều lo ngại kế tiếp khi chuyển đổi hơn 1.500 DNNN sang công ty TNHH Một thành viên là thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản trị DN phù hợp. Theo Nghị định 25, những người là chủ tịch, thành viên của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty của các công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước được trao quyền hạn khá rộng, tất nhiên là đi kèm với nghĩa vụ tương ứng. Vì vậy, nguy cơ trao quyền cho người không đủ năng lực không phải không có. Đây lại là  chỗ dựa cho những ý kiến phản đối việc cải cách phương thức và cơ chế thực hiện quyền sở hữu Nhà nước. Một thách thức khác là liệu văn hóa và lối làm việc theo chế độ tập thể như lâu nay ở các DNNN có thay đổi kịp để thích nghi với lề lối làm việc mới theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Luật Doanh nghiệp hay không? Bên cạnh đó, một số DNNN cũng băn khoăn về việc chuyển đổi sau ngày 1-7, có nhất thiết phải chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH Một thành viên? Những DN đang trong quá trình dang dở CPH sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào? Trước những thắc mắc này, bà Nguyễn Kim Toàn, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ cho biết: DN nào đã xác định được giá trị trước 1-7 sẽ tiếp tục CPH, những DN nào chưa làm được thì chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên. Đối với một số DN thua lỗ, không còn vốn Nhà nước thì cũng phải xử lý dứt điểm để chuyển đổi. Để DN hoạt động hiệu quả, tinh thần chung là giao quyền tự chủ cho DN, nhưng đồng thời tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước (chủ sở hữu DN).

H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.