Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo quốc tế Quy hoạch Buôn Ma Thuột hướng tới một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên

19:35, 31/05/2011

Sáng 31-5, UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Trường Đại học Quốc gia Singapore tổ chức Hội thảo quốc tế "Quy hoạch Buôn Ma Thuột hướng tới một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên". Hội thảo có sự tham gia của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học trên lĩnh vực nghiên cứu, quy hoạch đô thị trong nước và quốc tế. Đại diện UBND tỉnh Dak Lak, Phó Chủ tịch Đinh Văn Khiết tới dự.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Gia Thịnh)
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Gia Thịnh)

Sau ngày giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé, trong quá trình xây dựng và phát triển, Buôn Ma Thuột đã được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III năm 1994, là thành phố vào năm 1995 và 10 năm sau đó năm 2005 thành phố Buôn Ma Thuột đã được công nhận đô thị loại II. Năm 2010, Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Xác định tính chất cấp vùng của đô thị, UBND tỉnh Dak Lak đã chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tính chất là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng; là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh; là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế; có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng.

Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Huỳnh Ngọc Luân cho biết: Triển khai và thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Thành uỷ Buôn Ma Thuột đã ban hành chương trình hành động mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trước năm 2020. Theo đó, quan điểm xây dựng phát triển Buôn Ma Thuột được xác định là: Tập trung đầu tư phát triển để hình thành các khu trung tâm như công nghiệp chế biến, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, giáo dục đào tạo thể dục thể thao, y tế làm động lực thúc đẩy phát triển cho toàn vùng và khu vực Tây Nguyên. Phát triển đô thị phải bảo đảm sự đồng bộ, cân bằng, bền vững đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi trọng phát huy nhân tố con người kết hợp với phát triển khoa học công nghệ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá. Phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Huỳnh Ngọc Luân phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Gia Thịnh)
Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Huỳnh Ngọc Luân phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Gia Thịnh)

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn cùng nhau thảo luận, phân tích đánh giá  và đề xuất các giải pháp quản lý, thực hiện việc quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột sớm trở thành thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên. Các ý kiến tham gia đóng góp ở nhiều phương diện và góc độ: giáo dục, không gian đô thị, khai thác tiềm năng du lịch, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống giao thông, bản sắc văn hoá, kiến trúc. Đề cập đến vấn đề không gian đô thị Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: Chiến lược phát triển không gian đô thị phải bảo tồn được giá trị truyền thống, tôn trọng, phát huy được bản sắc văn hoá vùng. Còn theo kiến trúc sư Diêu Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Dak Lak: bản sắc văn hoá trong kiến trúc đô thị chính là yếu tố để thành phố trẻ Buôn Ma Thuột phù hợp với chính mình chứ không phải phát triển cho giống người ta. Xây dựng một đô thị "Buôn Ma Thuột xanh" từ việc thân thiện, gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hoá bản địa đến hệ thống hạ tầng thiết kế bảo đảm nguyên tắc không tàn phá tự nhiên... là quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Nhìn nhận về vai trò của bản sắc văn hóa trong quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột, Thạc sĩ, kiến trúc sư Đỗ Thu Vân – Phòng Nghiên cứu Lịch sử Kiến trúc VIAP đã nhận định: Vai trò của văn hóa được khẳng định trong đô thị Buôn Ma Thuột chính là không gian mang đậm đặc trưng của những sản vật, của văn hóa tộc người, đặc trưng địa hình, địa mạo… tất cả được hiện diện và thẩm thấu qua những lễ hội để từ đó đưa ra đề xuất  tạo lập không gian văn hóa lễ hội xen kẽ trong không gian của thành phố như một phần tất yếu tạo bản sắc của thành phố. Tiến sĩ Iwata Shizuo – Giám đốc Công ty Almec tại Việt Nam, Chủ nhiệm dự án “Chiến lược phát triển Dak Lak và TP. Buôn Ma Thuột – JICA” lại có tầm nhìn và đưa ra mục tiêu đề xuất trong phát triển không gian Buôn Ma Thuột, đó là: Với vai trò là đô thị loại I, trở thành động lực tăng trưởng của vùng cũng như trung tâm kinh tế - xã hội và văn hóa của vùng trên cơ sở môi trường được bảo vệ tốt và phát triển các công nghệ hiện đại, cần xây dựng hình ảnh đặc trưng về một thành phố cao nguyên xanh và tri thức…

Với 10 tham luận và 6 ý kiến đóng góp tại hội thảo đã đem đến cách nhìn mới, toàn diện hơn trong quy hoạch chung đô thị Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó các nhà quản lý, nhà khoa học, giới chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn phương án quy hoạch và đề xuất các giải pháp quản lý, thực hiện cho đồ án quy hoạch chung Buôn Ma Thuột để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại sớm thực sự trở thành thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên.

 

 

Đàm Thuần - Lan Anh

Ý kiến bạn đọc