Multimedia Đọc Báo in

Những góc nhìn đa chiều trong Quy hoạch Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

17:22, 05/06/2011

Hội thảo quốc tế về Quy hoạch tổng thể Buôn Ma Thuột do UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Trường Đại học Quốc gia Singapore tổ chức ngày 31-5 đã đem đến những cách nhìn mới, đa chiều, toàn diện hơn trong quy hoạch chung đô thị Buôn Ma Thuột. Phóng viên Báo Dak Lak ghi lại những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học tại Hội thảo này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư NGUYỄN QUỐC THÔNG - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cấu trúc không gian xanh – tạo dựng hình ảnh riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột

 
Cấu trúc không gian đô thị là “bộ khung” tạo nên hình ảnh đô thị và hình ảnh đô thị có bản sắc chính là thành công của quy hoạch. Đối với trường hợp của Buôn Ma Thuột, tổ chức không gian phân tán dạng mạng, tỷ lệ nhỏ và hướng nước là đặc điểm riêng có. Vì vậy, tạo dựng hình ảnh một đô thị cao nguyên xanh có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với đặc điểm riêng ấy. Đô thị xanh ở đây bao hàm nhiều góc độ. Thứ nhất, về cảnh quan: Đặc điểm địa hình và hệ thống nước là một đặc trưng cảnh quan chưa được khai thác hiệu quả trong quy hoạch kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột. Theo đó cần giữ gìn và phát huy cấu trúc hình thái đô thị phù hợp với cấu trúc tự nhiên; tạo thêm các đập, tổ chức thành hệ thống các đập trên cùng một con sông suối để quản lý nguồn nước và tạo cảnh quan mặt nước đô thị; hạn chế lấy đi đất nông nghiệp vì đây là nguồn kinh tế quan trọng, tạo nên vành đai xanh nông nghiệp độc đáo của đô thị. Thứ hai ở góc độ kinh tế, đô thị xanh được hiểu là nền kinh tế xanh về xử lý chất thải, tầm nhìn về sử dụng đất, về năng lượng sạch, về công trình xây dựng, bảo đảm hài hòa cấu trúc tự nhiên và nhân tạo. Thứ ba về góc độ văn hóa, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc bản địa như cách tổ chức dân cư trong buôn làng, mô hình nhà ở.

Giáo sư HENG CHYE KIANG - Trường Đại học Quốc gia Singapore: Quy hoạch, xây dựng nhưng vẫn giữ được cảm giác gần gũi với bản sắc văn hóa sinh hoạt cộng đồng

 

Trong quy hoạch và thiết kế, làm nổi bật đặc trưng chính là yếu tố để tạo nên điểm khác biệt của đô thị. Thiết nghĩ, đối với Buôn Ma Thuột cần đề cao đặc trưng về cảnh quan văn hóa của khu vực như kết hợp chặt chẽ các “tinh chất” trong bố cục tổ chức không gian hiện hữu để có thể làm nổi bật lên đặc điểm lịch sử; tạo không gian và cảnh quan tuyến phố có bản sắc dấu ấn riêng. Trong xây dựng hạ tầng, có thể kết hợp các công trình theo dạng cụm nhóm để tạo ra sự đa dạng về thị giác và nhịp điệu sôi động cho cảnh quan của việc phát triển nền công nghiệp hiện đại. Tạo ra cảnh quan tuyến phố, những mảng đô thị có hình thái cảnh quan của vùng ngoại ô, với các đặc điểm như có nhiều không gian mở, không gian trang trại và công trình hài hòa với môi trường xanh xung quanh. Việc quy hoạch và thiết kế cần dựa trên nguyên tắc giữ gìn các nét đặc trưng văn hóa quan trọng của khu vực, của di tích, các can thiệp mới cần tôn trọng cơ cấu tổ chức các công trình lịch sử hiện có. Bảo đảm việc xây dựng phát triển theo hướng tôn trọng, củng cố và đề cao các đặc trưng về không gian buôn làng trong đô thị và tạo nên ấn tượng về một môi trường an toàn hơn có chất lượng sống tốt hơn và vẫn giữ được cảm giác gần gũi với bản sắc văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Bảo tồn cảnh quan của các buôn làng nội thị; cần duy trì bố cục của công trình, địa điểm di sản bao gồm mối quan hệ của nó với môi trường xung quanh, hình thức, tỷ lệ, màu sắc, cấu trúc và vật liệu.

Kiến trúc sư DIÊU QUANG HÙNG, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Dak Lak: Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, phù hợp với chính mình

 
Với vị trí là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột sẽ có những bước phát triển rất nhanh trong những năm tới, trong đó có kiến trúc đô thị. Cấu trúc đan xen giữa các khu phố mới, công trình công cộng với các buôn làng trong lòng đô thị tạo nên dáng dấp của TP. Buôn Ma Thuột và sẽ là dấu ấn, tạo nên bản sắc riêng cho đô thị này. Thực tế phát triển của kiến trúc Buôn Ma Thuột trong thời gian qua đã cho thấy một bức tranh vừa đa dạng, vừa đặc sắc của kiến trúc và đô thị nơi đây. Đó là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Êđê (mái nhà dài) và kiến trúc hiện đại mới.
Ngoài ra để phát triển đô thị Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được nét bản sắc riêng, cần khai thác hiệu quả yếu tố về địa hình, cây xanh, mặt nước – một trong những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Buôn Ma Thuột cũng như cần duy trì và phát huy các buôn làng truyền thống trong đô thị... Với cấu trúc đan xen đó sẽ tạo nên nét bản sắc rất riêng với vẻ đẹp riêng biệt của thành phố cao nguyên.
Có thể nói, câu hỏi đặt ra cho thành phố trẻ Buôn Ma Thuột về sau là chúng ta nên phát triển như thế nào cho phù hợp với chính mình chứ không phải là phát triển cho giống người ta. Với một không gian văn hóa đặc trưng đậm đặc như vậy, bằng mọi giá cần giữ lại một phần nông nghiệp, nông thôn và các buôn làng, bến nước truyền thống trong những hình thái cư trú và sản xuất mới ở Buôn Ma Thuột.

Thạc sĩ, kiến trúc sư ĐỖ THU VÂN, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Kiến trúc – Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn: Lồng ghép không gian văn hóa lễ hội trong không gian kiến trúc đô thị

 

Điểm nổi bật của văn hóa “xứ cà phê” này là văn hóa mẫu hệ, văn hóa luật tục, văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, nhà dài, cồng chiêng, sử thi, văn hóa cộng đồng… Các loại hình văn hóa này vốn không tồn tại độc lập mà luôn được dung dưỡng trong một môi trường văn hóa bản địa.Từ đó để thấy rằng, những giá trị văn hóa được hội tụ trong không gian kiến trúc của thành phố Buôn Ma Thuột là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng quy hoạch không gian phát triển đô thị. Việc bảo tồn, phát huy, khai thác các yếu tố văn hóa vốn có lồng ghép trong một tổng thể đô thị phát triển sẽ là điểm nhấn bản sắc quan trọng của thành phố.
Có thể thấy, sự chuyển biến hình thái không gian nói chung và sự hình thành của đô thị Buôn Ma Thuột là cả một quá trình tiếp biến các sắc màu văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên. Từ đó định hình một bản sắc văn hóa riêng biệt của một vùng đất mà có thể nhận diện rất rõ qua những không gian chung của đô thị. Vai trò của văn hóa được khẳng định trong đô thị Buôn Ma Thuột đó chính là không gian mang đậm hương vị đặc trưng của những sản vật, của văn hóa tộc người, của đặc trưng địa hình, địa mạo… tất cả được hiện diện và thẩm thấu qua những lễ hội. Trong định hướng phát triển không gian của thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn những không gian đặc trưng của đô thị thì việc lồng ghép các không gian văn hóa lễ hội sẽ có ý nghĩa kết nối và tôn vinh bản sắc của đô thị Buôn Ma Thuột.

Tiến sĩ IWATA SHIZUO, Giám đốc Công ty Almec tại Việt Nam, Chủ nhiệm dự án “Chiến lược phát triển Dak Lak và TP. Buôn Ma Thuột – JICA”: Xây dựng hình ảnh đặc trưng về một thành phố cao nguyên xanh và tri thức

 
Với vai trò là đô thị loại I, trở thành động lực tăng trưởng cũng như trung tâm kinh tế - xã hội và văn hóa của vùng trên cơ sở môi trường được bảo vệ tốt và phát triển các công nghệ hiện đại, cần xây dựng hình ảnh đặc trưng về một thành phố cao nguyên xanh và tri thức. Điều này được thể hiện thông qua việc lựa chọn xây dựng những nét đặc trưng về một thành phố hiện đại nhưng vẫn bảo đảm bản sắc truyền thống; có nền kinh tế cạnh tranh, phát triển; phát triển hệ thống đô thị sinh thái; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển đô thị.
Nói riêng về việc phát triển không gian đô thị, tôi nghĩ rằng mục tiêu cần hướng đến là thiết lập được cấu trúc phát triển thành phố bền vững thông qua phát triển một thành phố thân thiện với môi trường dựa vào vận tải công cộng, được tăng cường bằng không gian xanh và mở phù hợp. Vậy chiến lược đề ra là phải bảo đảm, bảo vệ, phát huy được không gian xanh và các nguồn lực môi trường; hướng dẫn mở rộng các khu đô thị theo hình thái đô thị tập trung, gắn kết với phát triển đường bộ và hạ tầng, tránh phát triển tràn lan và sử dụng đất thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó cần phát triển khu thương mại trung tâm bằng việc tập trung các chức năng thương mại, kinh doanh, văn hóa và giải trí, đồng thời bố trí các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước ở những vị trí phù hợp; phát triển mạng lưới hành lang vận tải khối lượng lớn gắn kết với khu thương mại trung tâm và các cụm đô thị chính; cung cấp các kết nối đô thị - nông thôn hiệu quả để hỗ trợ cho người dân và hoạt động kinh tế nông thôn trong quá trình phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Lan Anh - Đàm Thuần (thực hiện)

Ảnh: Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc