Multimedia Đọc Báo in

Kiện chống bán phá giá : doanh nghiệp cần chủ động ứng phó

10:23, 18/07/2011
Mỗi thay đổi hay động thái chính sách mới của Châu Âu (EU) đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cần được các DN xuất khẩu Việt Nam theo dõi sát sao và có biện pháp ứng phó hợp lý, kịp thời nhằm bảo đảm phát triển xuất khẩu bền vững của  Việt Nam ở thị trường này.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Với dân số trên 500 triệu người, EU có nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, giầy dép, thủy sản, đồ gỗ… Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong quy định và thông lệ liên quan đến nhập khẩu vào EU đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
 
Thủy sản là một trong những mặt hàng bị kiện chống phá giá thòi gian qua
Thủy sản là một trong những mặt hàng đối mặt với nguy cơ  kiện chống bán phá giá

Đến nay, EU đã tiến hành 10 vụ kiện chống bán phá giá và trở thành thị trường áp dụng nhiều nhất các biện pháp này đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù quy mô các vụ kiện tương đối nhỏ (trừ vụ giầy, mũ da), nhưng nguy cơ bị kiện tại thị trường này là rất lớn. Đặc biệt khi các quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại của EU trước đây vốn được xem là bớt khắt khe hơn các nước khác thì hiện nay có khả năng sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Tại Hội thảo “ Chống bán phá giá - Chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu vào EU: Những diễn tiến mới-Tác động và ảnh hưởng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, các doanh nghiệp Việt Nam đã được các chuyên gia nước ngoài giải thích đầy đủ hơn về các thông tin trên để có phương án chủ động phòng tránh đối phó với các nguy cơ liên quan, bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình trong hoạt động xuất khẩu. Theo các chuyên gia, EU có khả năng sẽ thay đổi đáng kể  cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo hướng phức tạp và kéo dài thời gian hơn. Đồng thời sẽ tăng cường các hoạt động chống trợ cấp vì cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh từ những ưu đãi của chính phủ, nơi không có các quy định kiểm soát trợ cấp ngặt nghèo như ở EU. Thậm chí sẽ gia tăng các vụ điều tra “đúp” cả chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa nước ngoài, một thông lệ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Không thể thụ động “chờ” bị kiện mới ứng phó, DN Việt Nam nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Theo VCCI, các DN nên tìm hiểu phương thức tiếp cận  những biện pháp phòng tránh một vụ kiện như thế nào cho hiệu quả nhất. Khi bị kiện, DN cần tích cực tham gia vụ kiện ngay từ đầu, cần quan tâm đến thời hạn liên quan vì cả quá trình điều tra một vụ kiện thường kéo dài khoảng 12 tháng, nhưng quãng thời gian này chủ yếu dành cho cơ quan điều tra, còn với DN lại rất ngắn, trong khi khối lượng công việc yêu cầu thực hiện rất lớn. Để thành công DN cũng cần phải biết lựa chọn luật sư tốt và có hệ thống kế toán phù hợp…
 
H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc