Multimedia Đọc Báo in

Bệnh... “than”

18:29, 13/07/2012

Cửa hàng bán quần áo trên đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột vào một buổi chiều muộn, bà chủ đang hết lời giới thiệu với khách hàng. Nhưng có một điều đặc biệt, hai vị khách này không đến mua hàng mà là để thực thi nhiệm vụ điều tra theo tinh thần cuộc tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 đang được tiến hành trên quy mô toàn quốc.

Cũng bởi vậy mà lời giới thiệu của bà chủ cửa hàng này không phải là những mẫu hàng đẹp, hợp thời trang, giá cả phải chăng, mà bà đang không ngớt lời phàn nàn, kể lể đủ thứ khó khăn, khổ sở của mình, phủ đầu tất cả những câu hỏi rất dễ để trả lời của điều tra viên như: kinh doanh từ bao giờ, mặt hàng kinh doanh gồm những gì, có thuê người làm không?...

Mặc dù hai điều tra viên đã đưa văn bản hướng dẫn, thậm chí giải thích cặn kẽ về mục đích của việc điều tra là nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và tiểu thương nhưng đáp lại vẫn là thái độ thiếu hợp tác của bà chủ cửa hàng. Bà vẫn với một điệp khúc: buôn bán ế ẩm, thuế má thì cao và luôn miệng đề nghị giảm tiền thuế.

Chắn chắn đây không phải là trường hợp hy hữu trong qúa trình đi điều tra của các điều tra viên. Kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước tính toán, xây dựng, điều chỉnh chính sách, tái cơ cấu nền kinh tế một cách hợp lý. Theo đó, một trong những đối tượng chính được hưởng lợi sẽ là lực lượng hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu đơn vị, doanh nghiệp nào cũng thiếu sự hợp tác như bà chủ cửa hàng nói trên thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng điều tra.

Cũng từ câu chuyện này, xã hội có thêm cơ sở để lo ngại về một căn bệnh trầm kha của doanh nghiệp - bệnh “than”, than nghèo kể khổ. Thực tế, tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp “kêu” khó khăn ở các diễn đàn, các chương trình điều tra, các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng rất lớn, thậm chí đến mức xã hội đã phải lên tiếng “doanh nghiệp thì khi nào chả kêu than”. Làm ăn, kinh doanh khó khăn là có thật nhưng doanh nghiệp cũng cần “than” cho đúng lúc, đúng chỗ và cả đúng liều lượng nếu không vô hình trung sẽ thành phản tác dụng, giống như câu chuyện: một người chăn bò nhiều lần đùa cợt, nói dối dân làng đến giúp vì có hổ tới nhưng đến khi có hổ tới thật thì chẳng ai muốn giúp nữa vì họ đã mất lòng tin.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc