Luật cần phải rõ ràng, cụ thể hơn
Đại diện nhiều DN cho rằng, thủ tục phá sản là bước cuối cùng, chấm dứt sự tồn tại của một DN nên cần phải quy định chặt chẽ hơn, có xét đến yếu tố tạo điều kiện cho DN phục hồi thông qua việc thỏa thuận lại thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nếu không được thì mới cho phá sản. Trong khi đó, dự thảo Luật Phá sản lại giao quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quá rộng; một số quy định không rõ ràng, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 5 dự thảo luật này chỉ quy định, người đại diện theo pháp luật của DN, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN mất khả năng thanh toán. Còn thế nào là mất khả năng thanh toán thì được giải thích ở một điều khác là “tình trạng DN không thanh toán được khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu” mà không nêu rõ số nợ và tuổi nợ. Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi, những quy định chung chung, thiếu định lượng như vậy rất dễ bị lợi dụng trong thực tiễn, kẻ xấu sẽ đăng ký thành lập DN, vay mượn, chiếm dụng, thậm chí lừa đảo vốn nhiều nơi, hoạt động một thời gian rồi yêu cầu cho phá sản, sau đó lại tìm cách thành lập DN khác và tiếp tục hoạt động với chiêu bài cũ, vì hiện nay việc thành lập DN rất dễ dàng, nếu điều này không được ngăn chặn, nguy cơ DN thành lập rồi xin phá sản hàng loạt gây rối loạn xã hội, thị trường là rất lớn...
Tương tự, đối với việc phá sản công ty cổ phần, dự thảo cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục, ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của điều lệ công ty cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty mất khả năng thanh toán. Đại diện nhiều DN cho biết, đây là quy định hết sức nguy hiểm vì khái niệm mất khả năng thanh toán cũng rất chung chung. Thực tế cho thấy, không thanh toán được khoản nợ đến hạn không có nghĩa là DN đã lâm vào tình trạng phá sản, việc DN gặp khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định dẫn đến chậm trễ thực hiện nghĩa vụ trả nợ là điều bình thường. Vì thế, quy định này rất dễ dẫn đến tình trạng do tư thù, động cơ vụ lợi cá nhân, một số cổ đông có thể câu kết hại công ty bằng cách nộp đơn yêu cầu phá sản. Dĩ nhiên, việc chấp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không sẽ được tòa án có thẩm quyền phán quyết trên cơ sở dựa vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, dù đơn này không được chấp nhận thì hình ảnh của công ty trong mắt đối tác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Những lo lắng của cộng đồng DN không phải là không có căn cứ, trong thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng các thành viên trong cùng một công ty tranh giành nhau quyền điều hành đến mức phải đưa nhau ra nhờ tòa án phân xử.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc