Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ an ninh trật tự để phát triển sản xuất

07:53, 18/04/2010

Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi hiện đang quản lý 2.237 ha đất tự nhiên, trong đó có 1.846 ha đất trồng cà phê. Công ty có 1.014 cán bộ công nhân viên (CBCNV), trong đó có 966 lao động trực tiếp và 33 lao động là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, công ty còn liên kết trồng cà phê với 528 hộ ở các xã Ea Knuêc (Krông Pak) và Cuôr Đăng (TP.Buôn Ma Thuột). Địa bàn rộng lại tiếp giáp với cả TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar, có nhiều đường giao thông đi qua, lực lượng lao động đông nên công tác bảo vệ sản xuất, bảo đảm ANTT của Công ty gặp không ít khó khăn.
Trước tình hình đó, công ty đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn thể CBCNV, các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... tham gia bảo vệ ANTT. Ngoài lực lượng bảo vệ chuyên trách làm nòng cốt, công ty còn thành lập các tổ tự vệ ở đội sản xuất với nhiệm vụ tuần tra, canh gác sản phẩm 24/24 giờ. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên rà soát, bổ sung các nội quy, phương án bảo vệ an toàn tại nơi sản xuất và trụ sở làm việc. Hằng năm, công ty còn phối hợp với công an, chính quyền các xã, thôn, buôn và già làng trên địa bàn đứng chân cùng bàn bạc và ra nghị quyết phối hợp bảo vệ ANTT, tuyên truyền nghị quyết này đến với từng tổ, đội sản xuất và từng hộ gia đình bằng các hình thức phù hợp như họp dân, sử dụng loa phát thanh tuyên truyền … Công ty đã phát huy vai trò nòng cốt của các đội trưởng sản xuất, thôn trưởng và già làng trong việc huy động sức mạnh quần chúng tham gia bảo vệ sản phẩm, bảo vệ vườn cây cũng như giữ gìn ANTT tại địa bàn dân cư.

Công nhân chăm sóc vườn cà phê.
Công nhân chăm sóc vườn cà phê.

Do địa bàn công ty quản lý trải rộng, xen kẽ với các khu dân cư đông đúc nên công ty xác định phải xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân bằng nhiều cách như thu hút lao động, hỗ trợ tạo việc làm, đầu tư vốn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Khi đắp đập thủy lợi, thay vì trả tiền đền bù, công ty đã đầu tư trồng mới 206 ha cà phê cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Cuôr Đăng, Ea Knuêc để bà con ổn định sinh kế lâu dài. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực tham gia công tác xã hội, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương, thường xuyên thăm hỏi và tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, công ty cũng thông qua già làng và ban tự quản thôn, buôn tổ chức kiểm điểm trước dân, áp dụng luật tục của đồng bào để xử lý người vi phạm.
 Nhờ những cách làm trên, trong nhiều năm qua tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi không xảy ra các vụ trộm cắp, phá hoại hoặc gây mất ANTT nghiêm trọng nào. Những chuyển biến từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại công ty đã góp phần tạo ra khí thế sôi nổi trong thi đua lao động, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người lao động. 

Nhã Bình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.