Multimedia Đọc Báo in

Lực lượng Cảnh sát 113 - địa chỉ tin cậy của người dân

10:43, 18/08/2010

Cơ động, phản ứng nhanh để giải quyết các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự (ANTT), bản thân tên gọi đã nói lên tính chất, đặc thù công việc của lực lượng Cảnh sát 113. Xung quanh công việc của họ, bên cạnh niềm vui, hạnh phúc khi giữ gìn sự bình yên cho nhân dân là không ít vất vả, hiểm nguy...

Không đơn giản như những gì được thấy, được biết về công việc của các chiến sĩ 113, Trung tá Nguyễn Văn Thiện , Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 thuộc Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh liệt kê một “xê-ri” nhiệm vụ của Đội:  Tổ chức lực lượng trực 24/24, tiếp nhận thông tin liên quan đến ANTT và yêu cầu chính đáng của nhân dân để kịp thời xử lý ban đầu; điều động lực lượng đến nơi xảy ra vụ việc, nắm tình hình, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn; cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường; phối hợp với đơn vị nghiệp vụ các cấp trong giải quyết các vụ việc; tiến hành tuần tra, kiểm soát giữ gìn ANTT, an toàn xã hội ở các địa bàn phức tạp, trọng điểm, phát hiện, xử lý nhanh các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Với phương châm đến hiện trường nhanh nhất nhằm hạn chế hậu quả xảy ra, lực lượng cảnh sát 113 thường xuyên túc trực 24/24. Ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, nhất là khoảng từ 19 giờ đến 23 giờ trong ngày, khi phố phường, nhà nhà lên đèn, quây quần, sum họp mới là thời gian làm việc cao điểm của lực lượng cảnh sát 113, bởi đây là thời gian nhiều người tập trung ăn nhậu, dễ xảy ra xô xát cũng như trộm cắp, cướp giật.

Các chiến sĩ 113 chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Đ.T)
Các chiến sĩ 113 chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Đ.T)

Xác định vì nhân dân phục vụ nên các chiến sĩ 113 không quản ngại giờ giấc, vất vả và cả những hiểm nguy để góp phần gìn giữ ANTT trên địa bàn. Trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc, chuyện phải đối mặt với những đối tượng manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả không phải là hiếm. Đơn cử như vụ: Vào hồi 10 giờ ngày 10-2-2010 tại số 2 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, hai đối tượng dùng công cụ phá khóa trộm cắp xe máy. Khi bị phát hiện, một đối tượng bỏ chạy, tên còn lại (là Nguyễn Văn Tuấn, trú tại huyện Cư M’gar, đối tượng truy nã của Công an tỉnh Gia Lai) chạy lên mái nhà dân và cầm theo dao để đe dọa, chống cự. Nhận được tin báo, chỉ 4 phút sau, lực lượng cảnh sát 113 có mặt tại hiện trường, cùng với sự giúp đỡ của quần chúng đã khống chế và bắt được đối tượng, giao người và tang vật cho Công an TP. Buôn Ma Thuột. Còn với chiến sĩ trẻ của Đội cảnh sát 113, thượng sĩ Hoàng Tiến Quân, chiến tích mới nhất anh cùng đồng đội lập được càng tiếp thêm niềm tin và nhiệt huyết để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ cơ động, phản ứng nhanh phục vụ nhân dân. Anh kể: Đó là vào khoảng 21 giờ 10 phút ngày 8-8-2010, tổ tuần tra kiểm soát của anh gồm 4 người, khi đi tuần đến trước trụ sở taxi Mai Linh thì nghe phía trước có người hô hoán “Cướp, cướp!”. Các đối tượng xô ngã, dùng dao đâm vào tay phải người bị hại để giật sợi dây chuyền. Nhanh chóng truy đuổi, tổ tuần tra đã bắt được hai đối tượng là Nguyễn Quốc Minh Hoàng và Nguyễn Quốc Dũng cùng trú thị xã Buôn Hồ, giao cho Đội cảnh sát điều tra về tội phạm và trật tự xã hội điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Người bị hại được đưa vào bệnh viện sơ cứu. Trung tá Nguyễn Văn Thiện thì nhớ mãi lần tham gia giải quyết vụ cãi vã của hai vợ chồng nọ. Người chồng cầm bình xăng và chiếc bật lửa dọa đốt nên không ai dám can thiệp. Lực lượng 113 kịp thời có mặt tại hiện trường, nhanh chóng triển khai phương án phòng cháy, đồng thời dùng biện pháp nghiệp vụ khống chế được đối tượng. Đội phó Đội cảnh sát 113 Thái Văn Trung chia sẻ “kỷ niệm” bị ngã xe năm 2002 trong một lần truy đuổi đối tượng có sử dụng hung khí; một đồng đội hiện đã chuyển công tác thì bị đổ cả nồi lẩu lên người khi giải quyết xô xát tại một quán nhậu trên đường Lê Hồng Phong.

Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng các chiến sĩ cảnh sát 113 luôn cảm thấy hạnh phúc khi 113 trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy và có thể nói là nhớ nhất của người dân mỗi khi có các sự việc xảy ra. Ngay cả những tin báo vốn chẳng liên quan đến nhiệm vụ của 113 như chuyện gia đình, vợ chồng bất hòa, hai người hàng xóm cãi nhau…, nhưng các anh tự tìm niềm vui, niềm an ủi rằng, nhân dân tin, có việc gì cũng nghĩ đến và gọi 113. Theo thống kê của Đội Cảnh sát 113, từ năm 2005 đến tháng 6 năm 2010, Đội đã tiếp nhận và xử lý ban đầu 6.482 tin, trong đó riêng tin gây rối trật tự công cộng là 5.025 tin. Đội bắt giữ 3.102 đối tượng giao cho cơ quan chức năng xử lý...; ngoài ra còn thu giữ hàng trăm tang vật, phương tiện, hung khí do các đối tượng phạm tội gây ra.

Điều băn khoăn, trăn trở mà các chiến sĩ 113 chia sẻ là: Do gọi điện thoại đến số 113 không mất tiền nên đã nhiều lần nhận được những cuộc gọi báo tin giả, quấy rối, khiêu khích. Từ những anh chàng say xỉn cho đến những cô cậu học sinh, thậm chí là những người vô công, rỗi việc gọi nhiều cuộc điện thoại nghe rất khẩn thiết nhưng đến nơi mới biết là giả. Hầu hết đối tượng đều sử dụng thuê bao di động trả trước để gọi đến tổng đài nên rất khó khăn trong công tác xử lý. Bên cạnh đó, hiện lực lượng của đội còn mỏng với 18 cán bộ chiến sĩ trong khi địa bàn rộng nên cũng có phần hạn chế trong quá trình công tác và triển khai xử lý các sự việc.

Đàm Thuần - Nhã Bình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.