Multimedia Đọc Báo in

Sau 5 năm triển khai phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ: Kết quả lớn lao từ những việc làm nhỏ

10:47, 18/08/2010

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong...”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, lực lượng Công an Dak Lak tham mưu cho các cấp các ngành triển khai có hiệu quả công tác vận động nhân dân tham gia công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ) và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Chuyện về một già làng
Trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các địa phương đã nổi lên nhiều những tấm gương cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến đáng được tuyên dương, nhân rộng. Một trong những tấm gương sáng đó là già làng Oi Lớ ở buôn Tơ Yoa xã Cư Amung (Ea H’leo).

Ở cái buôn Tơ Yoa nói riêng, xã Cư Amung nói chung ai cũng biết và nể trọng già làng Oi Lớ. Người ta kính nể ông không chỉ ông là già làng, mà còn bởi ông nói được lời hay, bày dạy bọn trẻ làm theo điều đúng… Một trong những “thành tích” của già là đã viết thư gọi được 4 đứa con lầm lạc của buôn Tơ Yoa từ trong rừng về nhận lỗi trước buôn làng vì đã nghe lời bọn phản động xúi giục đi làm chuyện xấu, phản bội lại đồng bào...

Chuyện là cách nay một thời gian, buôn Tơ Yoa có 4 thanh niên nhẹ dạ cả tin nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, trốn biệt vào rừng. Biết được tin này, không chỉ già mà cả làng giận lắm. Già nhớ lại: Những ngày đó, nhìn vợ thằng Ama Soar một mình nuôi 6 đứa con nhỏ trong sự lạnh nhạt của buôn làng, rồi ông già Oi Ra, bố thằng Ama Mai đau ốm không ai chăm sóc… mà vừa giận vừa thương. Trong đầu già luôn đau đáu ý nghĩ phải đưa những đứa con lầm lạc về với buôn làng, nhưng mà bằng cách thì già chưa nghĩ ra.

Cho đến một hôm có đoàn công tác của chính quyền địa phương cùng các cán bộ công an huyện về đặt vấn đề với già về việc “mở đường” cho những người lầm đường lạc lối trở về. Biết chuyện, già mừng lắm, cho mời những người cao tuổi trong buôn đến cùng với cán bộ bàn bạc, tìm cách liên lạc gọi những đứa con lầm lạc trở về… Già không còn nhớ đã bao nhiêu lần đến tận nhà của những người kia để vận động gia đình, tuyên truyền chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với những ai biết hối lỗi, và già cũng đã viết rất nhiều thư gửi người dân đi rừng để lại ở các chòi rẫy, may ra chúng nhận được, biết được mà trở về...

Và rồi, cũng chính nhờ những lá thư của già Oi Lớ đã dẫn đường mở lối để 4 người con lầm lạc của buôn Tơ Yoa về lại với gia đình, với lũ làng. Ama Soar kể lại: Ở trong rừng, phần vì đói rét, phần vì lo sợ nên chỉ trong thời gian ngắn cả 4 người đều đổ bệnh. Trong lúc đang tuyệt vọng thì nhận được thư của già Oi Lớ, biết được hoàn cảnh gia đình, biết được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, biết được mọi người ở buôn làng đang trông ngóng… cả nhóm quyết định về để nhận tội với buôn làng, về để làm lại cuộc đời.

Già làng Oi Lớ (bìa trái) đến trò chuyện, động viên Ama Soar sau khi biết lỗi lầm của mình hãy chí thú lo làm ăn chăm lo cuộc sống gia đình.
Già làng Oi Lớ (bìa trái) đến trò chuyện, động viên Ama Soar sau khi biết lỗi lầm của mình hãy chí thú lo làm ăn chăm lo cuộc sống gia đình.


Nhiều mô hình cần được nhân rộng
Có thể nói, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định của Chính phủ về Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, UBMTTQVN và các ban ngành đoàn thể xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với những nội dung, biện pháp phù hợp, thiết thực. Các địa phương, đơn vị đã gắn phong trào này với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với những nội dung phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả cao.

Trong 5 năm qua, các đơn vị chức năng và công an các địa phương đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể tổ chức được 3.297 đợt phát động quần chúng với khoảng 781.253 lượt người tham dự; đưa 1832 đối tượng ra kiểm điểm trước dân; tổ chức 50 lớp cảm hóa, giáo dục cho 4345 đối tượng tham gia hoạt động Fulrô. Qua công tác phát động, quần chúng đã cung cấp gần 4000 tin tố giác tội phạm và giúp lực lượng công an làm rõ hàng nghìn vụ việc.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT ở cơ sở, mở 31 lớp bồi dưỡng kiến thức về ANTT cho 5.127 cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở thôn buôn, xã; củng cố 1.640 tổ An ninh nhân dân, 2.634 tổ nhân dân tự quản về ANTT, 757 tổ dân phòng và phòng cháy chữa cháy, 222 tổ đội thanh niên xung kích, 1.921 tổ hòa giải...

Qua công tác phát động quần chúng, ở nhiều địa phương, đơn vị đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, cách làm có hiệu quả trong việc vận động nhân dân phòng, chống và tố giác tội phạm. Tiêu biểu là các mô hình như: “Đường phố không có ma túy và tệ nạn xã hội” ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột); mô hình “Cai nghiện ma túy tại cộng đồng” của nhân dân và cán bộ xã Cư Ewy (Ea H’leo); “Cụm liên kết công an viên”, “Tiếng kẻng 3 phòng” ở xã Hòa Tiến, “Khu dân cư không có tội phạm” ở xã Hòa Đông (Krông Pak); “ Đội xe thồ bảo đảm ANTT”  ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar...

Ghi nhận những kết quả đã đạt được được sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh, Thiếu tướng Huỳnh Huề, Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là hết sức to lớn và ý nghĩa. Đây không chỉ là thành tích riêng của lực lượng công an chúng tôi mà là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là vai trò hạt nhân của quần chúng nhân dân. Chính những việc làm cụ thể của người dân, những mô hình được xây dựng từ thực tế ở mỗi địa phương đã góp phần làm cho phong trào trở nên sôi nổi và thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương.

Việt Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.