Multimedia Đọc Báo in

Nhật ký Trường Sa

14:07, 15/05/2011

Ngày 17-4-2011
Cả đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi thăm huyện đảo Trường Sa tập trung tại Bộ Tư lệnh Hải quân (TP. Hồ Chí Minh) nghe phổ biến kế hoạch. Chuyến đi của đại diện 54 dân tộc anh em trên toàn quốc ra huyện đảo Trường Sa kéo dài 10 ngày, vượt hơn 1.400 hải lý (tương đương với 2.100km). Quần đảo có hơn 100 đảo lớn nhỏ, đoàn sẽ đi một số đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn DKI thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu mặc trang phục dân tộc mỗi khi lên đảo. Đoàn Dak Lak có 2 người: Triệu Thị Ngoan, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, dân tộc Nùng và tôi, dân tộc Êđê.

Ngày 18-4
3 giờ sáng, Rchăm H’Yéo, dân tộc Jrai ở Gia Lai giục chị em dậy thu dọn đồ đoàn, mặc trang phục dân tộc theo quy định. Chà ! Rất đẹp và rất phức tạp với những áo, váy, cườm,  mũ, khăn… Ai cũng nôn nao, hồi hộp và rủ nhau uống thuốc chống say sóng.
6 giờ 30 chuyến đi bắt đầu khi người chiến sĩ hải quân trẻ tuổi đứng nghiêm giơ tay chào đoàn xe lăn bánh ra khỏi cổng Bộ Tư lệnh.
8 giờ, tàu HQ 996 hú còi tách bến trong nhịp điệu hành khúc của các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Dam San với những cánh tay vẫy tiễn đưa của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và bộ đội.

Ngày 19-4
Bệnh nghề nghiệp khiến tôi tò mò xem danh sách đoàn đi và có một phát hiện rất thú vị!  Có 50 đại biểu dân tộc ít người, đại diện cho 54 dân tộc anh em trong cả nước, trong đó rất nhiều tộc người “vô cùng thiểu số” cũng có mặt trong chuyến đi, như: người La Hủ (Lai Châu), Cơ Lao, Pu Péo, La Chí (Hà Giang), Pà Thẻn, Bố Y (Lào Cai), Sán Chay (Tuyên Quang), Brâu và Rmâm (Kon Tum), Ơ Đu (Nghệ An), Chứt (Quảng Bình), Châu Ro (Nghệ An)… Người cao tuổi nhất là già làng A Kheor (dân tộc Bana ở Kon Tum) và Hồ Xuân Điền (dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên – Huế) cùng 65 tuổi. Nhỏ nhất là Phùng Thị Lê Na (dân tộc La Hủ ở Lai Châu) tròn 24 tuổi. Hầu hết là lần đầu tiên ra biển. Già A Kheor còn thử xem nước biển có mặn thật không (?) Ngoài ra đoàn còn có tám thượng tọa và đại đức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Càng xa bờ, sóng càng to hơn. Mưa lất phất rắc nước trên biển. Có đàn cá heo nhảy theo tàu. Các thủy thủ cho biết: cá heo thường nhảy khi có sóng to hoặc trước khi hết sóng.

Ngày 20-4
Hoàng hôn và bình minh trên biển đẹp như tranh vẽ. Không biết hoàng hôn trong bài hát của tôi có phù hợp tâm trạng chiến sĩ Trường Sa không nhỉ? Thu vội “Hoàng hôn Trường Sa” 5 tiếng trước giờ lên máy bay, chưa kịp nghe lại CD, thôi đành  hát chay tặng bộ đội vậy.
Trăng 18 trải bạc trên mặt nước. Tàu neo giữa biển để mai vào đảo. Sóng vỗ xôn xao. Đèn câu mực của ngư dân mờ tỏ xa xa. Đèn biển trên đảo Song Tử Tây nhấp nháy trong đêm như con mắt canh chừng.
Thủy thủ quăng dây câu đêm, cá thu, cá mú, cá ngừ đại dương từ 4-15kg liên tục được giật lên trong tiếng reo hò của đám hành khách hiếu kỳ.

Ngày 21-4
Lênh đênh ba ngày mới tới đảo chìm Đá Nam thuộc xã đảo Song Tử Tây, nơi đầu tiên đoàn ghé thăm. Ấn tượng với hai vườn rau. Đất trồng rau được chở từ đất liền ra. Rau muống, rau cải, mồng tơi xanh mướt, dày đặc, lá to như một bàn tay. Rất nhiều vịt và chó. Có bữa chiến sĩ phải… cứu vịt vì bơi quá xa khỏi đảo.
Đây là lần thứ hai trong năm đảo có khách. Vật chất có đủ, chỉ thiếu tinh thần thôi, nên ngư dân ra đánh cá bị nạn dạt bờ, đảo vô cùng tận tụy, không chỉ giúp tránh bão tố, mà còn cả tiểu phẫu cho người dân. Đảo có điện mặt trời và gió nhưng không có nước ngọt, mỗi khi có mưa phải bằng mọi cách trữ nước để dùng quanh năm, 5 - 7 ngày mới được tắm một lần, tắm giặt xong phải vẫn còn nước để tưới rau.
Thượng úy Kiều Phong ở đảo đã 2 năm, có vợ và 2 con ở Vĩnh Phúc (khi đi vợ đang có bầu, khi về con đã hơn một tuổi, phải làm quen mãi mới cho bế), lãng mạn ra phết khi trình bày bài thơ “Câu hát song ca lỗi hẹn” của mình trong cuộc giao lưu, rằng: “Đẹp vô cùng trái tim người lính biển/ tràn sức sống trẻ trung nhiệt huyết/ lãng mạn, yêu đời, nồng ấm yêu thương”…
Trẻ nhất là chiến sĩ Bùi Thanh Điền (Đồng Nai), 23 tuổi, thi Tổng hợp Toán trượt nên xung phong tòng quân. Mới ra đảo 9 tháng. Em có vẻ hơi nhút nhát khi các anh chị trong đoàn mời hát múa. Nào là bài hát Tây Nguyên, câu dân ca Pu Péo, kể cả song ca giữa lính đảo và Má Thị Hà (dân tộc Phù Lá) cứ đan xen, để rồi điệu Inh Lả ơi  dẫn tất cả vào vòng múa xòe Thái và bịn rịn chia tay… Tặng đảo gói quà mấy bộ dây đàn ghi ta của lớp sư phạm tôi chủ nhiệm.
Xuồng đưa toàn đoàn vào xã đảo nổi Song Tử Tây. Đảo có âu tàu rất lớn cho các tàu đánh cá xa bờ của dân trú khi gặp bão. Tranh  nhau chụp ảnh lưu niệm ở cột mốc chủ quyền. Cho dù không có nước ngọt, nhưng cây phong ba, bàng vuông, mù u, dừa… vẫn phủ xanh đảo. Bùi ngùi viếng mộ 2 liệt sĩ quá trẻ (sinh năm 1984 và 1992). Thắp nhang trong chùa Song Tử Tây (Công ty Xuân Trường xây tặng đảo, trị giá 21 tỷ). Thủ tướng tặng lại chùa bức tượng Phật Bà Quan âm bằng đá trắng của Ấn Độ tặng. Ban Tổ chức Trung ương mang theo và vừa  trồng ở chùa cây bồ đề chiết từ cây do Thủ tướng Ấn Độ tặng Bác Hồ trồng tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Các đại đức mang theo lễ vật làm lễ cầu quốc thái dân an và cầu siêu cho vong linh các liệt sĩ.
Ngồi nơi cửa tam quan lộng gió, thấy lòng bình yên thanh thản đến lạ.
Trưa nắng. Lang thang trong làng trên đảo. Những ngôi nhà quét vôi vàng  xinh xắn, đầy đủ tiện nghi như trên đất liền. Hệ thống đèn pin mặt trời chạy dọc suốt đường làng láng xi măng. Vợ chồng Hồ Dương và Trương Thị Liền từ Cam Ranh ra đây đã 3 năm. Ban ngày chồng đi đánh cá, vợ nấu ăn cho tập thể. Họ bằng lòng với cuộc sống lao động đơn giản trên đảo. Con gái thứ hai là đứa trẻ đầu tiên sinh trên đảo, bộ đội đặt tên là Hồ Song Tất Minh (ghép cả tên bác sĩ lẫn thủ trưởng Hải quân). Con đầu học văn hóa với các cán bộ xã. Đảo có 10 đứa trẻ, từ lớp 1 đến lớp 4.
 Đêm neo trên biển. Lại mất ngủ. Thương bộ đội quá. Xa xa hai bên mạn, tàu nước ngoài sáng choang đèn như trêu ngươi.

Đảo Phan Vinh (Quần đảo Trường Sa) sáng mãi tên người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - Thuyền trưởng Tàu Không số, hy sinh trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm 1968. (Ảnh: T.M.T)
Đảo Phan Vinh (Quần đảo Trường Sa) sáng mãi tên người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - Thuyền trưởng Tàu Không số, hy sinh trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại năm 1968. (Ảnh: T.M.T)


Ngày 22-4
Thăm đảo nổi Anh hùng Lực lượng vũ trang Nam Yết. Cây xanh mát rượi. Chỉ có giếng nước lợ, không nước ngọt. Viếng mộ liệt sĩ trẻ.
Bộ đội đề nghị xây nhà đại đoàn kết dân tộc trên đảo, mong các địa phương quan tâm hơn đến các gia đình chiến sĩ và tìm kiếm hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt cho các đảo.
Đảo nổi Sơn Ca (vẫn không nước ngọt nhưng nhiều cây xanh nên lắm chim sơn ca làm tổ), cuộc giao lưu dưới tán những cây tra xanh rờn (bộ đội gọi đùa là “nho Trường Sa”) giữa chiến sĩ và nghệ sĩ Nhà hát Dam San vô cùng cảm động. Mỗi câu hát các anh hòa theo khiến muốn trào nước mắt “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn trong tim”, “Nếu em đến thăm đảo, em sẽ vui cuộc sống của người chiến sĩ và sẽ yêu vô cùng đảo của chúng tôi”. Lần đầu tiên nhìn thấy trái bàng vuông. Ai cũng cố xin, nhặt lấy một trái đem về kỷ niệm.
16 giờ 45. Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc 24 năm trước tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Trời sầm tối. Vòng hoa và bát nhang quyện vào nhau bập bềnh trên sóng biển. Những giọt nước mắt lăn…

 

Ngày 23-4
Đảo chìm Đá Đông và Đá Tây. Cuộc giao lưu ca hát diễn ra hồn nhiên, khiến cả Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Măng Đung lẫn Hoàng Thị Bình, Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng cũng cao hứng song ca, tam ca “Thuyền và biển” với chiến sĩ. Những “bông hoa Pơ lang” in trên má các chiến sĩ của mấy cô diễn viên Dam San khiến cuộc vui thêm hào hứng. Cả các đại đức cũng nắm tay cùng chung điệu xoang Tây Nguyên lẫn vũ điệu cha cha cha.
Bộ đội đề nghị các nhà báo gửi hình về cho gia đình, vì “chắc cuối năm thư  mới ra đến đảo”. Ân hận quá, hôm qua không biết điều này nên không ghi địa chỉ của gia đình Điền ở Đồng Nai (biết em có kịp nhận hình không?). Ai cũng rám nắng gió biển. Có người gắn bó với đảo đã 14 năm như Thiếu úy kỹ sư vi tính Hoàng Văn Nam. Có chiến sĩ trẻ (sinh năm 1988) mới ra đảo 8 tháng như Trung sĩ Trần Quốc Đạt. Em hồn nhiên kể “Vui nhất là khi đi đánh cá theo con nước”
Cũng như ở Đá Nam, nước ngọt trên Đá Đông, Đá Tây vô cùng khan hiếm. Rau rất xanh tốt nhưng vẫn chỉ dám nấu “canh toàn quốc” để có ăn quanh năm.     Đây còn là khu kinh tế, thí điểm nuôi lồng cá chim trắng, giống từ đất liền đưa ra. Đoàn được tặng 30 con to tướng.

Ngày 24-4
Đảo Trường Sa Lớn, “thủ đô” của huyện đảo. Tàu cập ngay cầu cảng để cả đoàn lên bờ (không phải trung chuyển bằng xuồng như mọi chỗ khác). Đài Liệt sĩ đá hoa cương cao vút. Khi cả đoàn thắp nhang, có vầng mây trắng lớn sà xuống đỉnh. Thăm nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch (trước là ngôi đền nhỏ dân tự dựng, nay là ngôi nhà rộng, khang trang, đỏ tươi màu ngói).
Các đoàn tặng quà lưu niệm ngay tại cột mốc chủ quyền. Mỗi tỉnh đều có những “ sản vật” đầy ý nghĩa: Nhà rông của Kon Tum, chiếc đàn t’rưng Gia Lai. Chín tiếng cồng Mường Hòa Bình trầm trầm vang vọng trong nắng. Sẽ có chiếc gùi và thổ cẩm Êđê, M’nông của Dak Lak trong nhà lưu niệm của đảo…
Dự lễ trồng cây bồ đề, cầu nguyện quốc thái dân an và cầu siêu cho vong linh chiến sĩ tại chùa Trường Sa. Ai cũng muốn gióng lên ba tiếng chuông như minh chứng cho sự hiện diện của mình tại mảnh đất thiêng liêng này của Tổ quốc.
Đảo có cả Nhà văn hóa và nhà trẻ. Đám con nít líu ríu, hồ hởi chạy theo đoàn. “ Chàng” Si 6 tuổi, luôn mặc đồ lính thủy, chưa đi học đã “ cháu là học sinh giỏi, sau này làm lính Trường Sa”. Nguyễn Thị Trà My hứa hẹn một nhan sắc và thân hình như người mẫu, sang năm sẽ vào đất liền học lớp 6 “Học xong cháu lại về đảo”.
Các nghệ sĩ Gia Lai gặp lại thiếu úy Tuấn: năm 2000, trên đường công tác qua ngã ba Phú Tài, đoàn đón lên xe một chiến sĩ hải quân lả đi vì đói khát. Bị mất cắp toàn bộ tiền nong và giấy tờ,  Tuấn đã đi bộ hai ngày liền trên đường vì “phải chịu đói, không thể xin ăn vì mình là bộ đội”. Đoàn đã góp tiền tặng và gửi xe cho anh về tận huyện Kbang… Cuộc gặp gỡ thật vui.
Sao mà nhiều cây “nho Trường Sa” đến thế, mọi con đường đều rợp mát . Nắng và gió biển dịu hẳn.
Gặp hai đồng hương Dak Lak tại đảo, chụp chung một bức hình bên cột mốc chủ quyền. Chính trị viên trạm ra đa  Phạm Văn Lĩnh gần hai năm chưa được về thăm gia đình ở ngay TP. Buôn Ma Thuột. Trung úy Đinh Ngọc Sang chưa vợ, bố mẹ ở xã Cư Ni (Ea Kar), tết vừa qua ở lại đảo. Đồng hương tặng hai cây bàng vuông, khiến cả đoàn “ ganh tị”.
Tối. Giao lưu văn nghệ. Dân ca Cống, Mông, Tây Nguyên vang lên cùng với những bài ca của lính đảo. Được hát  “Hoàng hôn Trường Sa”  ngay trên đảo Trường Sa. Xúc động thật sự.

Phút chia tay lưu luyến trên Đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa). Ảnh: T.M.T
Phút chia tay lưu luyến trên Đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa). Ảnh: T.M.T


Ngày 25-4
Lại cá heo nổi lên theo tàu. Sóng cấp 5.
Lễ tưởng niệm các chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần hy sinh giữa biển khơi. Đại tá Hoàng Ngọc Dương nấc lên “Đồng đội ơi” khiến cả đoàn oà khóc. Thân xác gửi nơi biển cả. Linh hồn các anh nơi nào? Có neo lại trên ngầm san hô cùng đồng đội giữ thềm lục địa của Tổ quốc không?
Tàu HQ 621 ngang qua, hú còi. Toàn bộ sĩ quan và chiến sĩ dàn hàng trên tàu giơ tay chào. Nước mắt rưng rưng.
Sóng to, chỉ được 14 người lên xuồng ra nhà giàn DKI, trong đó có 2 cô gái vóc dáng bé nhỏ nhất đoàn: Lý Thị  Phấn (dân tộc Xing Mun) và ca sĩ Bích Mận. Xuồng có lúc như mất hẳn sau những cột nước cao cả mét. Xuồng đâm vào chân cột, vỡ một miếng. Thuyền trưởng hét lên trong bộ đàm lệnh trở lại tàu, nhưng cả đoàn vẫn quyết lên. Khi xuống phải thả theo ròng rọc. Sau hai tiếng chờ đợi nặng nề, xuồng vượt sóng trở về trong tiếng vỗ tay chào đón của cả đoàn. Má Thị Hà mắt vẫn còn đỏ hoe kể “Thương lắm! Muốn tắm phải chạy lên chạy xuống vài vòng cho đẫm mồ hôi, thấm khô rồi mới dội nước ngọt. Vậy mà còn đùa: tớ gần 50 tuổi vẫn phải ngồi chậu tắm như em bé”. Bích Mận bảo “Hát tập thể tất, vừa hát vừa khóc, có đơn ca nổi đâu. Vậy mà thuyền trưởng giục đưa đoàn về, bộ đội còn xin nán lại 3 phút để hát tặng đoàn một bài đã”…
Sóng to. Say sóng gần như cả đoàn.

 

Ngày 26-4
Sóng dịu dần. Trò chuyện, hỏi tên và địa chỉ các bạn để gửi ảnh mặc trang phục dân tộc. Lý Thị Gióng, dân tộc Cống ở Mường Tè, Lai Châu bảo: “Được đi Trường Sa mừng lắm. Lần đầu tiên biết biển. Cảm giác vui và lạ lắm. Thấy đúng như Bác Hồ nói trước mình có đêm, có rừng, nay có ngày, có biển. Thích lắm”. Củng Thị Mẩy, dân tộc Pu Péo, huyện Bắc Mê, Hà Giang thì nói “ Mình không bị say sóng đâu. Đi thế này mới biết. Thương bộ đội quá!” Đinh Thị Hương, dân tộc Cor, Quảng Ngãi thì “ghi chép kỹ để về còn kể cho bà con nghe”.
Tối. Trao kỷ niệm chương cho những người đã hai lần ra Trường Sa, trong đó có một cô diễn viên của Dam San. Xem cuốn băng vừa quay trên nhà giàn, ai cũng khóc.
Giao lưu với cán bộ chiến sĩ tàu HQ 996 đến tận 4 giờ sáng.

Ngày 27-4
Vài tiếng nữa là kết thúc chuyến đi. Hiểu ra cái giá phải trả để giữ gìn biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc là không thể tính ra bằng vật chất. Thương bộ đội.
Càng gần tới bờ càng thấy buồn man mác. Đó là cảm giác của những lần  chia tay. Tất cả phải chăng chỉ là hư vô. Những gì đọng lại trong tâm hồn mới thật sự là điều còn mãi ?

H’Linh Nga Niê Kdăm

 


Ý kiến bạn đọc