Tiểu đoàn 303 thực hiện chương trình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”: Hé mở cánh cửa thoát nghèo bền vững cho người dân
Được chọn làm đơn vị điểm để triển khai chủ trương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Quân khu V, thời gian qua, Tiểu đoàn 303 đã tích cực thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả. Những hộ dân do đơn vị nhận hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, con giống… có cơ hội hé mở cánh cửa thoát nghèo.
Đến thăm hộ gia đình bà Lê Thị Đội (thôn 3, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), hộ vừa mới được đơn vị cấp 50 con gà giống, bà đưa chúng tôi đi tham quan ngay khu vực nuôi gà, niềm vui khi chứng kiến đàn gà đang lớn nhanh như thổi, bà hồ hởi: “Đến thời điểm này con nhỏ nhất cũng được 2 lạng. Chỉ vài tháng sau trung bình mỗi con khoảng 1,5 kg. Theo giá cả hiện nay, nếu bán thì tôi đủ khả năng hoàn lại tiền mua giống cho đơn vị. Tuy nhiên, tôi muốn phát triển thêm đàn gà chứ không bán, thời gian cam kết trả vốn cho đơn vị còn hơn một năm. Khi ấy 3 sào đất đơn vị cho mượn vừa xuống giống đã thu hoạch. Tôi vừa có thức ăn cho gà, lại có dư để bán trả tiền mua giống cho Tiểu đoàn”. Nhà bà Đội có hai con đang học lớp 8 và lớp 10. Thương các con, bà cố gắng làm lụng đủ mọi công việc, từ làm thuê, cuốc mướn đến buôn bán để nuôi con ăn học. Nhưng chi phí học hành ngày càng cao, trong khi đó bà tuổi cao sức yếu, số tiền kiếm được không đủ trang trải mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, vì vậy, gia đình bà cứ nghèo mãi. Sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn đó, đơn vị đã hỗ trợ gia đình bà 50 con gà giống và cho mượn 3 sào đất để canh tác hoa màu. Mọi công đoạn cày, xới, trỉa bắp, làm chuồng trại đều do đơn vị hỗ trợ ngày công. Bà xúc động tâm sự: “Thật là “cái khó, bó cái khôn”, chúng tôi muốn đầu tư chăn nuôi nhưng lại không có vốn. Muốn trồng tỉa chút hoa màu thì lại không có đất”. Khi được đơn vị bộ đội quan tâm hỗ trợ, chúng tôi mới có điều kiện làm ăn, được vay thêm 15 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo. Đơn vị đã khảo sát đất đai, tư vấn cho gia đình bà đầu tư trồng mít nghệ và sẵn sàng hỗ trợ tất cả ngày công. Cùng chung niềm vui với gia đình bà Lê Thị Đội, bà H ré Knul, trú tại buôn Cư Druê cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự của đơn vị. Gia đình bà H ré Knul có đến 7 nhân khẩu, trong khi đó chỉ có 1 sào đất trồng cà phê và 1 sào ruộng. Thu nhập của cả gia đình chưa tới 400.000 đồng/tháng. Ngoài việc hỗ trợ gia đình bà về gà giống, cho mượn 3 sào đất trồng hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”, đơn vị còn có kế hoạch giúp gia đình bà cải tạo vườn cà phê, đầu tư trồng tiêu.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 hỗ trợ ngày công đào hố trồng mít nghệ giúp gia đình bà Lê Thị Đội. |
Thiếu tá Nguyễn Cao Dương, Chính trị viên Tiểu đoàn 303 cho biết: Ngay sau khi Quân khu đề ra chủ trương: “Các tiểu đoàn có quân và đơn vị tương đương đứng chân ở địa phương mỗi năm có trách nhiệm tham gia “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, đơn vị đã nhanh chóng triển khai, tiến hành khảo sát toàn bộ các hộ nghèo trên địa bàn đứng chân, dựa trên tiêu chí “Hộ nghèo phải là hộ có người lao động chính, có tư liệu sản xuất hoặc không có tư liệu sản xuất nhưng vì không có vốn, không có năng lực và kinh nghiệm chuyển đổi cách làm ăn để thoát nghèo. Đặc biệt, những hộ này phải chăm lo làm ăn, có chí thoát nghèo, không có tư tưởng ỷ lại, trông chờ”. Sau khi khảo sát nhu cầu, khả năng, nguyện vọng, đơn vị đã thống nhất chọn 2 hộ trên để thực hiện cũng như đề ra kế hoạch, “lộ trình” xóa nghèo hợp lý cho từng hộ và tư vấn định hướng họ phát triển kinh tế phù hợp với khả năng. Bước đầu đơn vị đã trích từ Quỹ “Hũ gạo vì người nghèo”, mua 100 con gà giống về chăm sóc cho đến thời điểm gà lớn, bảo đảm an toàn và bàn giao cho 2 hộ trên. Đồng thời, cho mỗi hộ mượn 3 sào đất của đơn vị để canh tác, trồng hoa màu theo thời vụ. Đơn vị hỗ trợ 100% ngày công, giống, cây trồng, vật nuôi cho các hộ. Điểm đáng chú ý trong thực hiện chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” tại Tiểu đoàn 303 là tất cả đều được thực hiện dựa trên quan điểm: “Giao cho các hộ nghèo cần câu và hướng dẫn họ cách câu chứ không phải là cho con cá”. Nghĩa là, đơn vị sẽ tư vấn, hướng dẫn các hộ phát triển kinh tế tùy theo nhu cầu của từng hộ và bỏ vốn đầu tư cây trồng, vật nuôi ban đầu. Các hộ được hỗ trợ có trách nhiệm phải hoàn vốn cho đơn vị sau khi thu hoạch sản phẩm. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, đơn vị đã phân công 2 đại đội sẵn sàng hỗ trợ ngày công khi các hộ có nhu cầu cũng như thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện chủ trương và qua theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của 2 hộ trên đều phát triển thuận lợi, hé ra hướng thoát nghèo bền vững. Từ mô hình này, trong thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng cách làm ra toàn xã.
Có thể nói, sự tham gia tích cực thực hiện chủ trương trên không chỉ thể hiện trách nhiệm của đơn vị trong nỗ lực cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đóng chân mà còn là hình thức thực hiện công tác dân vận hiệu quả, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân ngày càng tốt đẹp và vững chắc.
Ý kiến bạn đọc