Multimedia Đọc Báo in

Lính công binh giữa thời bình

09:05, 29/06/2011

Được đánh giá là một trong những lực lượng quan trọng “mở đường thắng lợi”, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh đã chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày nay, giữa thời bình cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những người lính công binh luôn là lực lượng nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ nguy hiểm: rà phá bom mìn, vật nổ, khắc phục hậu quả chiến tranh…

Thiếu tá Phạm Bá Đại, Chính trị viên Đại đội Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), vốn xuất thân từ con nhà “nòi” (Trường Sĩ quan Công binh), có thâm niên trên 15 năm tâm sự: “Khi đã chọn nghiệp lính, nhất là lính công binh thì phải xác định trước nhiệm vụ của mình luôn đối mặt với những khó khăn, gian khổ, thậm chí có thể hy sinh. Bởi trong khi dò gỡ bom mìn, vật liệu nổ, phải trực tiếp đối mặt với vô vàn bất trắc, không thể lường trước vì các loại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh rất đa dạng về chủng loại, có nhiều loại còn chứa chất độc hóa học hoặc bị chôn sâu dưới lòng đất, do tác động của thời gian bị gỉ sét, luôn trong trạng thái “mở”, là có nguy cơ phát nổ cao nếu bị ngoại lực tác động vào. Mặc dù những người lính công binh đã được trang bị kiến thức, kỹ thuật, nghiệp vụ cơ bản, được tìm hiểu kỹ về cấu tạo, phương thức nổ của từng loại vũ khí, song khi đối diện với thực tế, không thể áp dụng một cách nguyên tắc, theo sách vở mà phải căn cứ vào vị trí, địa thế, địa hình quả bom nằm để các anh cùng bàn bạc, nghiên cứu, đề ra giải pháp khả thi nhất nhằm vô hiệu hóa vật liệu nổ, hạn chế tối đa tổn thất về vật chất, nhất là về người trong công việc. Việc rà soát bom mìn thường được tiến hành trên một diện tích rộng, vì vậy, các anh không để bỏ sót bất cứ một khu vực nào. Trước khi tiến hành những người lính công binh luôn làm một nhiệm vụ “bất di bất dịch” là tiến hành đánh dấu, căng dây và tổ chức tìm kiếm theo hình thức “cuốn chiếu”, khu vực đã rà soát có phát hiện vật liệu nổ được đánh dấu theo ký hiệu riêng, thông thường là một lá cờ hình tam giác đỏ. Dụng cụ để thực hiện công việc của những người lính công binh cũng rất đơn giản: một chiếc máy dò tìm kim loại mà các anh thường ví von là “đôi tai” của người lính công binh. Chỉ với dụng cụ tưởng chừng như đơn giản này mà căn cứ vào tín hiệu được phát ra trên diện tích dò tìm cũng như kết hợp với kinh nghiệm mà các anh có thể phán đoán chính xác đến 90% loại vũ khí nào nằm dưới lòng đất hay đơn giản đó chỉ là một mảnh kim loại. Sau khi hoàn thành công tác rà soát diện tích cần tìm, các anh bước vào công đoạn quan trọng nhất: nghiên cứu, tìm giải pháp vô hiệu hóa vật liệu nổ. Công việc có tính quyết định này luôn đặt người lính công binh trong tư thế đối mặt giữa làn ranh của sự sống và cái chết, bởi vậy ngoài việc được huấn luyện sử dụng thành thạo các loại phương tiện, kiến thức về các loại vũ khí cũng như kinh nghiệm, mỗi chiến sĩ đều trang bị cho mình một thần kinh thép, một bản lĩnh vững vàng trong khi thi hành nhiệm vụ.

Những vật liệu nổ do các chiến sĩ Công binh rà soát được khi thi công công trình Sân bay Buôn Ma Thuột.
Những vật liệu nổ do các chiến sĩ Công binh rà soát được khi thi công công trình Sân bay Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, những người lính công binh luôn rèn luyện cho mình đức tính cẩn trọng, bình tĩnh, tự tin thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn, tuyệt đối tránh tâm lý nóng vội, theo đúng phương châm “an toàn là mệnh lệnh, mục tiêu là số một”. Dẫu biết nhiệm vụ của mình luôn phải đối diện với hiểm nguy, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào song những cán bộ, chiến sĩ khi đã chọn cho mình nghiệp lính công binh luôn cảm thấy tự hào, vinh dự trong công việc. Chiến sĩ Nguyễn Duy Thành chia sẻ: “Sau khi gia nhập quân đội và được huấn luyện tại Đại đội công binh, em cũng như những đồng đội khác đã được chỉ huy đơn vị làm công tác tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xác định vinh dự, trách nhiệm cũng như những nguy hiểm mà lính công binh phải đối mặt nên anh em luôn ý thức được công việc mình làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó góp phần trả lại sự sống cho những “vùng đất chết”, hạn chế tối đa những mất mát, tai nạn thương tích do bom mìn gây ra cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước”. Theo thống kê, Đại đội bộ binh đã đảm nhiệm hàng trăm công trình thi công rà soát vật liệu nổ quan trọng, trong đó có những công trình lớn như trụ sở UBND tỉnh, Sân bay Buôn Ma Thuột… Có công trình các anh phải cắm trại, ăn ở tại chỗ, dầm mưa dãi nắng ròng rã 3 tháng trời, khẩn trương làm việc…

Không chỉ làm nhiệm vụ rà soát bom mìn, những người lính công  binh còn kiêm cả nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai theo đúng tinh thần “ở đâu khó ở đó có lính công binh”. Những người lính công binh có trình độ nghiệp vụ, khả năng hiệp đồng thần tốc, điêu luyện, luôn có mặt kịp thời khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc