Multimedia Đọc Báo in

Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh): Tạo những chuyển biến tích cực trong phòng, chống tội phạm môi trường

09:25, 16/09/2011

Trước thực trạng môi trường ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng như hiện nay, việc thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường đã và đang góp phần không nhỏ công tác chấn chỉnh các hành vi vi phạm môi trường ở địa phương. Sau gần 5 năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã góp phần giải quyết nhanh chóng và triệt để các vụ vi phạm pháp luật về môi trường.

Thành lập tháng 12-2007, Phòng Cảnh sát môi trường đã cùng các ngành chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường như: xử lý nước thải trong sản xuất; chế biến tinh bột sắn; khai thác khoáng sản; xâm phạm tài nguyên rừng; an toàn vệ sinh thực phẩm; chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh môi trường; buôn bán động vật hoang dã trái phép... được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát môi trường còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm…

Theo kết quả điều tra, xử lý của lực lượng này, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng gia tăng, cụ thể: Năm 2008 xảy ra 12 vụ, 2009 là 121 vụ, năm 2010 là 105 vụ và trong 8 tháng đầu năm 2011 đã có 83 vụ vi phạm. Có thể nói: Hành vi vi phạm pháp luật về môi trường xảy ra thường xuyên và phức tạp nhất là ở lĩnh vực xử lý chất thải trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; trong khai thác chế biến khoáng sản, lâm sản. Điển hình như vụ vi phạm hành chính về hành vi không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường theo quy định của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thành Vũ (huyện Ea H’leo). Từ thông tin của người dân địa phương, Phòng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra và tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng vào tháng 12-2009. Tuy nhiên, đến tháng 6-2010, phòng tiếp tục phối hợp với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, phát hiện đơn vị này tiếp tục có hành vi vi phạm về: Không đăng ký chất thải nguy hại theo quy định, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu an toàn về kỹ thuật; xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần đến dưới 10 lần (từ 500m3/ngày đến dưới 2.000m3/ngày)… Qua đó, đã kiến nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính lần thứ 2 với số tiền hơn 257 triệu đồng. Thực tế cho thấy, từ khi Phòng Cảnh sát môi trường ra đời đã góp phần giải quyết nhanh chóng các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường sống. Nhờ vậy, hiện nay phần lớn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh đã và đang hoàn thiện hệ thống quy trình xử lý chất thải theo quy định, từ đó tình hình ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể.

Lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra số gỗ khai thác trái phép sau khi thu giữ.
Lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra số gỗ khai thác trái phép sau khi thu giữ.
Trước tình hình các đối tượng tiến hành khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã trái phép đang hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát môi trường phải luôn chủ động đấu tranh mạnh mẽ và cương quyết. Bên cạnh việc xử lý nhanh chóng các nguồn tin người dân cung cấp, đơn vị luôn có một mạng lưới trinh sát điều tra theo dõi tại các địa bàn để nắm bắt và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. “Trong quá trình hoạt động, lực lượng Cảnh sát môi trường đã gặp không ít khó khăn trong điều tra, áp dụng các văn bản hướng dẫn để xử lý đối với các hành vi vi phạm như: thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được giao cho Cảnh sát môi trường; chưa quy định thẩm quyền tạm giữ phương tiện, tang vật trong công tác xử lý vi phạm. Mặc khác, trang thiết bị kiểm tra, kiểm định các chất thải còn thiếu nên khó có thể định lượng, định tính cũng như đánh giá chính xác mức độ vi phạm. Tại Chương XVII, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 10 tội danh vi phạm về môi trường, nhưng khi thực hiện chỉ áp dụng xử lý được đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 189 “tội hủy hoại rừng” và điều 190 “tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm”. Hiện tại, phòng cũng chưa có nơi tạm giữ các phương tiện, tang vật thu được trong quá trình chờ xử lý…”, Trung tá Lê Tôn Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cho biết.
Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ban đầu, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường Dak Lak đã tham gia 30 đoàn công tác kiểm tra liên ngành của tỉnh và 2 đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; xử lý vi phạm hành chính 229 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng; kiểm tra 415 tổ chức, cá nhân, phát hiện 173 cơ sở vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính để kiến nghị xử lý theo quy định. Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh mong có sự phối hợp,  quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các cơ sở kinh doanh; đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội về một môi trường trong lành…

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.