Multimedia Đọc Báo in

Đồn Biên phòng Ia R’vê: Đồng hành với người dân vùng biên trên con đường xóa đói giảm nghèo

16:17, 16/10/2011

Thực hiện chủ trương “Mỗi đồn biên phòng xây dựng ít nhất 2 mô hình giúp dân phát triển kinh tế” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động, thời gian qua Đồn Biên phòng Ia R’vê đã thí điểm xây dựng 2 mô hình nuôi nhím và trồng bí đỏ cho một số hộ gia đình trên địa bàn đơn vị quản lý. Bước đầu 2 mô hình này đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho nông dân xã vùng biên này.

Đồn Biên phòng Ia R’vê có nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới dài 6,7km, tiếp giáp với tỉnh Muldulkiri (Vương quốc Campuchia) và phụ trách địa bàn xã Ia R’vê (huyện Ea Súp). Đây là xã biên giới được thành lập từ năm 2006, theo Dự án kinh tế quốc phòng của Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng). Toàn xã có trên 1.500 hộ với 5.439 nhân khẩu thuộc 17 anh em dân tộc cùng sinh sống. Là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, những năm qua Ia R’vê được thụ hưởng nhiều chính sách, chương trình ưu đãi của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có những đổi thay đáng kể. Song do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là yếu tố thời tiết khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của một xã vốn thuần nông nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn đến 68,48%. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù thời gian qua địa phương đã được các cơ quan chức năng cử nhiều lượt cán bộ xuống nghiên cứu, khảo sát điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu và triển khai nhiều dự án kinh tế như dự án trồng điều, trồng cao su, song không hiệu quả do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Công tác xóa đói giảm nghèo thật sự trở thành bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Thế nhưng từ năm 2010, chúng tôi đã định hình một hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp với đặc thù của địa phương sau khi được Đồn Biên phòng xây dựng thành công 2 mô hình thí điểm trồng bí và nuôi nhím”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R’vê hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím cho gia đình ông Nguyễn Văn Sánh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R’vê hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím cho gia đình ông Nguyễn Văn Sánh.
Còn Thiếu tá Bùi Quang Tuyến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê thì tâm sự: “Là những chiến sĩ biên phòng, nên ngoài việc phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, chúng tôi còn có trách nhiệm giúp chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh cũng như trực tiếp tham gia, hướng dẫn xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương”. Xuất phát từ quan điểm trên cũng như thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, bằng tình cảm, trách nhiệm của người lính, năm 2009, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng đã dành thời gian đi tìm hiểu, tham khảo những mô hình phát triển kinh tế có thể áp dụng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Qua đó xác định được 2 mô hình có khả năng mang lại thành công là trồng bí và nuôi nhím. Chỉ huy đồn đã tiến hành khảo sát các đối tượng là hộ nghèo để triển khai thí điểm. Với mô hình trồng bí đỏ, mùa khô năm 2010 Đồn Biên phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân Lương Văn Long, Hà Văn Tằm, Phạm Văn Tươi, Hà Văn Yêu cùng trú tại thôn 14 trên diện tích 7 ha. Đây là những hộ có đất canh tác dọc theo sông Ea H’leo, thuận lợi cho vấn đề nước tưới vào mùa khô. Trong suốt thời gian xuống giống, cán bộ, chiến sĩ bỏ hàng trăm ngày công xuống tận nơi canh tác cùng dầm mưa, dãi nắng, chăm sóc bí với các hộ dân. Mô hình đã đem lại kết quả vượt ngoài sự mong đợi: sau khoảng 75 ngày kể từ ngày xuống giống, mỗi ha bí cho thu hoạch 10-12  tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ lãi khoảng 40 triệu đồng. Từ kết quả trên, mùa khô 2012, chỉ huy đồn cũng như chính quyền địa phương khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này, với quy mô khoảng 200 ha được gieo trồng. Riêng đối với mô hình nuôi nhím sinh sản của hộ ông Nguyễn Văn Sánh, cũng được thí điểm từ năm 2010, từ 2 con nhím giống ban đầu, đến nay đã phát triển được thêm 5 con. Nhìn đàn nhím phát triển tốt, được nuôi trong chuồng trại cẩn thận, Ông Nguyễn Văn Sánh cảm kích nói: “Tất cả đều nhờ công sức các chú bộ đội, từ hỗ trợ làm chuồng trại cho đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Ngay cả việc tìm hiểu kỹ thuật, tham quan các trang trại lớn ở TP. Buôn Ma Thuột vợ chồng tôi cũng được các anh nhiệt tình đưa đi. Với giá trung bình khoảng 15 triệu đồng/cặp nhím con theo giá thị trường, hiện vợ chồng tôi đã có vài chục triệu đồng”.

Cùng với việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cũng trong thời gian qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và địa phương, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê đã đóng góp hàng nghìn ngày công, xây dựng và trao tặng 49 nhà “mái ấm biên giới” và 2 công trình dân sinh trên địa bàn xã, với tổng kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Dấu ấn người lính biên phòng để lại trên những công trình dân sinh, trên những ngôi nhà mang tên “mái ấm biên giới” cũng như trong việc giúp dân xóa đói giảm nghèo được nhân dân ghi nhận, chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Điều này thêm một lần nữa đưa những người dân vùng biên gắn bó hơn với các chiến sĩ biên phòng. Để từ đó, họ cùng hỗ trợ, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chủ quyền an ninh biên giới vững chắc.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.