Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội: Cần có những giải pháp đồng bộ

12:05, 31/10/2011

Tội phạm giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào khách thể là quyền được sống của con người – một quyền cơ bản, thiêng liêng được pháp luật bảo vệ. Khi hành vi phạm tội được thực hiện, hậu quả mà nó để lại không chỉ là những tổn thất, mất mát, đau thương cho thân nhân gia đình nạn nhân; những điều tiếng, dư luận; sự hoang mang, bức xúc, căm phẫn trong một bộ phận nhân dân… mà còn nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên cả một địa bàn. Chính vì vậy, Bộ Luật Hình sự nước ta với vai trò là công cụ hữu hiệu, sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã đặt ra những chế tài hết sức nghiêm khắc với loại tội phạm này, từ phạt tù có thời hạn đến chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh cho thấy: tội phạm giết người không những chưa được kéo giảm mà còn tăng cường hơn về tính chất, mức độ nghiêm trọng; về sự trắng trợn, manh động trong thực hiện hành vi; trong đó đáng chú ý là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao.

Theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2011 đã xảy ra 849 vụ phạm tội hình sự, làm chết 44 người, bị thương 282 người và thiệt hại tài sản lên tới trên 67 tỷ đồng, trong đó tội phạm giết người 36 vụ (tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2010), làm chết 36 người, bị thương 11 người. Trong 36 vụ thì có tới 34 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 94,44%). Đa số các vụ án giết người có nguyên nhân xã hội xảy ra là do mâu thuẫn thù tức (20/34 vụ), một số do ghen tuông tình ái (4/34 vụ); đáng chú ý có 6/34 vụ giết người thân trong gia đình; 4/34 vụ do đối tượng có biểu hiện tâm thần gây ra. Đây là một vấn đề xã hội nhức nhối đặt ra không phải chỉ cho lực lượng Công an mà còn là của các ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp giải quyết triệt để, nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Có thể nêu lên một số vụ điển hình như: Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 8-10-2011, anh Lê Minh Tuyên (sinh 1991, trú tại 253 Điện Biên Phủ, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cùng anh trai là Lê Minh Tú và 2 người bạn đang ngồi uống rượu tại quán nhậu trên vỉa hè khu vực ngã tư Trần Phú – Trần Bình Trọng thuộc phường Thành Công. Lúc này có một số thanh niên cầm nhiều hung khí (dao, rựa, gậy, đá) mục đích để đi đánh nhau, khi đến ngã tư đường Trần Bình Trọng – Trần Phú, mặc dù không có mâu thuẫn từ trước mà chỉ thấy những người đang uống rượu nói chuyện to tiếng và chọc ghẹo con gái bà chủ quán nên nhóm thanh niên trên dừng lại, 1 đối tượng vào bàn nhậu dùng rựa chém 3 nhát vào đầu Tuyên làm nạn nhân tử vong. Cơ quan điều tra đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, tử thi, bắt khẩn cấp 6 đối tượng về hành vi giết người, đó là: Dương Thanh Vũ (1987), trú 53/27 Trương Công Định, Ngô Tuấn Vũ (1991), trú 271 Trần Phú, Trương Văn Quốc (1992), trú 322/11 Trần Phú, Huỳnh Văn Tài (1993), trú hẻm 360 Hoàng Diệu, Đào Đức Thanh (1989), trú 320 Hoàng Diệu và Lê Văn Thịnh (1986), trú 59 Phùng Chí Kiên, phường Thành Công. Hay như vụ xảy ra ngày 16-9-2011 tại hồ Ea Kao thuộc xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), anh Y Hoàng BKrông (sinh 1992) trú tại buôn M’Duk, phường Ea Tam (TP. BMT) đang ngồi chơi với bạn là chị H’Phiê Êban, sinh 1992 và chị H’Gái Niê, sinh 1994, cùng trú tại buôn H’Drát, xã Ea Kao thì bị đối tượng Y Blish H’Dơk (SN 1990), trú tại buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana (là chồng cũ của H’Phiê) do ghen tuông dùng mã tấu đuổi đánh, anh Y Hoàng bỏ chạy, nhảy xuống hồ, Y Blish cầm dao đe dọa và đuổi anh ra chỗ nước sâu làm nạn nhân chìm xuống nước và tử vong. Sau đó Y Blish dùng dao chém xe máy của nạn nhân và ném cả dao, xe máy xuống hồ phi tang... Có những vụ do đối tượng tâm thần gây ra hết sức thương tâm, điển hình như: vụ xảy ra ngày 16-5-2011, Nguyễn Thị Hường (SN1980), trú tại thôn 7, xã Ea Pal, huyện Ea Kar (có tiền sử bệnh tâm thần từ năm 2010) bế con trai là Trần Quốc Bảo, sinh 2007 và cháu ruột là Mai Văn Đô, sinh 2006, ở cùng thôn bỏ xuống giếng nước nhà anh Trần Quốc Thanh (là em chồng của Hường) cùng ở thôn 7, xã Ea Pal. Hậu quả 2 cháu Bảo và Đô tử vong. Hoặc có những vụ xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt mà chồng giết vợ, điển hình như: ngày 16-12-2010, tại khu vực chùa Phước Hòa thuộc phường Khánh Xuân, TP. BMT, do mâu thuẫn ghen tuông, đối tượng Đoàn Văn Quân (SN 1980), trú tại TDP 10, phường Khánh Xuân đã dùng đá, dao đâm, chém nhiều nhát vào đầu, người của vợ là chị Võ Thị Kim Nga, sinh 1983, trú tại TDP 13, phường Khánh Xuân, làm nạn nhân chết tại chỗ…

Dẫn giải tội phạm 1 vụ trọng án.                     Ảnh: Trọng Tính
Dẫn giải tội phạm 1 vụ trọng án. (Ảnh: Trọng Tính)

Nguyên nhân của tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có nhiều, song có thể tóm lại những nguyên nhân cơ bản sau:

 

Nguyên nhân sâu xa, khách quan: Sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận những người trong xã hội hình thành nên lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, chạy theo lợi ích vật chất, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật; trình độ nhận thức về pháp luật, xã hội của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức pháp  luật, chủ động phòng chống tội phạm chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức, chưa hiệu quả; nền kinh tế thị trường với những chọn lọc khắt khe của nó đã đẩy một bộ phận lao động không có trình độ vào tình trạng thất nghiệp, số lượng lao động tự do cũng tăng lên, đây là diện đối tượng có nguy cơ cao phạm vào các tội do nguyên nhân xã hội, trong đó có tội phạm giết người.

Nguyên nhân trực tiếp: Những mâu thuẫn trong xã hội tương đối đa dạng, phức tạp, vì vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hình thành động cơ thực hiện hành vi giết người của các đối tượng cũng đa dạng. Thông thường là do các mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày; trong giao tiếp ứng xử đã xảy ra xung đột; những ghen tuông tình ái; tranh chấp đất đai; do hành vi trái pháp luật của nạn nhân… Những nguyên nhân này khi có những điều kiện như: đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được bản thân; khả năng tiết chế cảm xúc kém, bồng bột, nông nổi đã dẫn đến hành vi giết người.

Nguyên nhân chủ quan: Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chưa thực sự mang lại hiệu quả; công tác nắm tình hình, phát hiện những mâu thuẫn, bất đồng ngay tại cơ sở còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nên chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm này.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ:

Phải gắn phát triển kinh tế – xã hội với nâng cao dân trí cho người dân; phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, Luật phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, Luật hôn nhân và gia đình, Luật khiếu nại, tố cáo…; các tổ chức Đoàn, Hội cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt theo hướng sinh động, thiết thực, thu hút đông đảo hội viên tham gia, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh của hội viên, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ quần chúng nhân dân, trong các gia đình để tập trung hòa giải  không để mâu thuẫn phức tạp, kéo dài là nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội, người có hành vi vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư; đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, chất lượng”, cụ thể: rà soát, đánh giá lại các tiêu chuẩn văn hóa ở các khu dân cư; sửa đổi, bổ sung, thay đổi những quy định trong quy chế, hương ước ở các thôn, buôn cho phù hợp với pháp luật, với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, thực sự là quy chuẩn điều chỉnh các quan hệ xã hội ở cơ sở.

Lực lượng Công an tiếp tục nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ của ngành nhằm quản lý tốt những đối tượng không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, những đối tượng làm nghề tự do, đối tượng có tiền án, tiền sự về các tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, các tội phạm xâm phạm sở hữu, các băng nhóm thanh thiếu niên hư thường xuyên tụ tập chơi bời, có mang theo hung khí… để có biện pháp tác động cá biệt kịp thời; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hành chính công khai, nhất là các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự như: vũ trường, quán nhậu, quán Bar, Karaoke… chủ động phòng ngừa từ xa không để hoạt động phạm tội giết người xảy ra. Đẩy mạnh hoạt động điều tra, khám phá các vụ án giết người đã xảy ra, phối hợp với các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử lưu động đối với những vụ án điểm nhằm nâng cao tính răn đe, đồng thời tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân tự phòng tránh tội phạm.

Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận cần phối hợp với lực lượng Công an, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và gia đình người bệnh, áp dụng các biện pháp quản lý tốt số đối tượng có tiền sử bị bệnh tâm thần hoặc đang có dấu hiệu nghi bị tâm thần, phòng tránh những đối tượng này gây ra những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm giết người. Ngoài ra, cần phối hợp rà soát số đối tượng không nghề nghiệp không ổn định để có biện pháp giải quyết việc làm hoặc quản lý phù hợp nhằm phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng.

Đoàn Quốc Thư
(Đại tá - Phó Giám đốc Công an tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc