Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng Tiếng Tổ quốc giữa Trường Sa

08:52, 31/08/2012

Có một kỷ niệm rất đặc biệt, không thể nào quên đối với những ai đã may mắn được một lần đặt chân lên biển đảo Trường Sa thân yêu: Đó là tham dự nghi thức chào cờ, hát Quốc ca ngay tại cột mốc chủ quyền Tổ quốc.

Nghi thức duyệt binh sau Lễ chào cờ ở Trường Sa.
Nghi thức duyệt binh sau Lễ chào cờ ở Trường Sa.

Một buổi sáng trung tuần tháng 5, sau hơn 48 giờ vượt hàng ngàn hải lý, con tàu HQ 571 đưa đoàn chúng tôi cập đảo Song Tử Tây, khi mọi người còn đang trong tâm trạng bồi hồi, xúc động khi đứng trên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc thì được thông báo, hướng dẫn ra trước cột mốc chủ quyền tham dự Lễ chào cờ. Tại quảng trường lộng gió, cột mốc chủ quyền được xây hoành tráng, đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời như một minh chứng không thể phủ nhận đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên cột mốc, dưới ánh nắng ban mai chói lọi và bầu trời xanh thẳm, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đầy kiêu hãnh trong gió lộng. Người chiến sĩ hải quân trẻ trang nghiêm đứng ôm súng gác bên cột mốc, mắt hướng thẳng về phía trước, toát lên quyết tâm mãnh liệt, ý chí bảo vệ trọn vẹn biển đảo Tổ quốc. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”, khi những ca từ hào hùng, mạnh mẽ, đầy chất thép mang âm điệu hối hả, dồn dập của bài Tiến quân ca vang lên, mọi người đều trào dâng niềm tự hào xúc động, có người nghẹn lời, đưa tay lau nước mắt. Bài hát vang lên giữa biển đảo Tổ quốc, nơi mà cả nước đang hướng về, nơi đã trở thành biểu tượng cho ý chí, quyết tâm giữ vững trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc như có sức lay động, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tự hào trong lòng mỗi người, trở thành sợi dây vô hình kết nối tinh thần đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng quyết bảo vệ từng tấc đất mà thế hệ cha ông đã đổ bao xương máu để giữ gìn. Ca sĩ Tấn Minh, Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) xúc động tỏ bày: “Tôi đã hát Quốc ca trong Lễ chào cờ bằng cả trái tim, bằng tất cả lòng tự hào cũng như ý thức trách nhiệm của một công dân nước Việt. Lúc mà mọi người cùng cất tiếng ca tôi cảm nhận một không khí thật trang nghiêm, thiêng liêng, lòng trào dâng những cảm xúc khó diễn đạt thành lời”. Thật vậy, không trang nghiêm, thiêng liêng sao được khi bài hát là sự chắt lọc, kết tinh hồn dân tộc được vang lên hòa nhịp theo từng hơi thở, từng nhịp đập trong trái tim mỗi người con đất Việt. Không thiêng liêng sao được khi tiếng hát cất lên nơi đầu sóng ngọn gió đã đưa mọi người tìm về cội nguồn để cảm nhận sâu sắc hơn bóng dáng, hình hài đất nước của các thế hệ cha ông qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ đó biết trân trọng, nâng niu, yêu quý những gì mình đang được thụ hưởng. Bài ca cũng thổi bùng lên trong trái tim mỗi người tình yêu quê hương đất nước mạnh mẽ cùng ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc, điều đó hiển hiện cụ thể qua hình ảnh những chiến sĩ hải quân, những người đã gác lại hạnh phúc riêng tư để đến với đảo xa, vượt qua muôn vàn khó khăn, phong ba bão tố, chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Một bất ngờ nữa, hòa lẫn tiếng Tổ quốc vang vọng trầm hùng trên đảo xa là giọng ca trong trẻo, cao vút của những công dân nhí nơi Trường Sa. Thì ra các buổi lễ chào cờ đều có mặt những công dân đang sinh sống trên đảo, trong đó có cả những đứa trẻ. Trung tá Trịnh Xuân Tô, Chính trị viên đảo Song Tử Tây khẳng định: Không đứa trẻ nào ở Trường Sa biết nói mà không thuộc và biết hát Quốc ca cũng như bài Khúc quân ca Trường Sa, bài hát truyền thống của đảo. Ngay từ khi mới bập bẹ ê a, các cháu đã được cha mẹ dạy thuộc từng lời, từng chữ của bài hát và được tham dự tất cả các buổi chào cờ trên đảo. Theo anh Hồ Dương, một công dân trên đảo thì hai đứa con anh cũng như những cháu bé khác ở đây rất mong ngóng, háo hức được tham dự Lễ chào cờ chung với các chú hải quân. Ấn tượng nhất là  những “chú hải quân con”, trong bộ trang phục hải quân nhỏ nhắn, bắt chước tác phong y hệt các chiến sĩ hải quân, hát quốc ca với vẻ hồn nhiên, trong sáng, ánh mắt long lanh, sáng ngời hướng về lá cờ Tổ quốc, về người lính hải quân. Có thể trong nhận thức non nớt của mình, các cháu chưa hiểu được thế nào là chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, song được sống giữa những chiến sĩ hải quân ngay từ thuở lọt lòng, được lớn lên giữa trùng dương sóng vỗ, tự thân trong mỗi mầm non nơi đại dương này đã nuôi dưỡng trong trái tim một tình yêu vô bờ bến đối với biển, đối với mảnh đất mà cha mẹ mình đang gắn bó khi các em luôn luôn trân trọng, trìu mến bắt đầu kể về hòn đảo mình sống bằng ba tiếng “Đảo của con”. Điều đó còn được thể hiện ngay trong mỗi cái tên của những công dân nhỏ nơi đây luôn gắn liền với biển như Nguyễn Chin Si (Si là phát âm của từ Sea trong tiếng Anh nghĩa là biển), Nguyễn My Sen (Sen là phát âm của từ Sand, nghĩa là cát)… Rồi khi những chồi non của đất nước cất lên giai điệu Tổ quốc giữa trùng dương, tiếng ca như có một sức mạnh lay động mãnh liệt, kéo những con người ở khắp mọi miền đất nước xích lại gần nhau hơn để cùng lắng đọng tâm tư, trở về nguồn cội đất nước, để lắng nghe trong tiếng sóng vỗ rì rầm  âm thanh của “Những buổi ngày xưa vọng nói về…”. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.