Multimedia Đọc Báo in

Tiếng hát người lính

21:48, 19/10/2013
Đoạt 6 giải A tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 5 lần thứ XI-2013, qua đó xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn, Đội Công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) một lần nữa khẳng định tài năng, niềm đam mê ca hát của những người lính phố núi.

 

Tổ quốc gọi tên mình - tiết mục xuất sắc đoạt giải A tại Liên hoan.
Tổ quốc gọi tên mình - tiết mục xuất sắc đoạt giải A tại Liên hoan.

Không phải đến bây giờ, khi chính thức ra mắt theo Quyết định của quân khu, Đội Công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở mới khẳng định “thương hiệu”, mà tại những Liên hoan trước đó, Đội đã được bạn bè đồng nghiệp trong lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh giá là có phong cách biểu diễn không thua kém các ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp. Bảng thành tích của Đội đã nói lên điều ấy: Liên tiếp tại 3 lần liên hoan năm 2004, 2008 và 2013 Đội đều giành giải Nhất toàn đoàn. Đội chỉ có hơn 10 thành viên, có khả năng phối hợp nhịp nhàng, ăn ý mỗi khi trình diễn, đủ sức thuyết phục những giám khảo cũng như khán giả khó tính nhất. Đó là một H’ Quý Rơ Chăm đa tài, một ca sĩ kiêm MC, có khả năng viết kịch, thuyết trình, biên tập; hay một Bùi Huy Sĩ có tài sử dụng nhiều loại nhạc cụ; đó là một Trần Văn Phong với giọng hát trầm hùng, dễ lay động lòng người với những ca khúc viết về quê hương, đất nước; hay đó là một Pan Ti Ang Mic, giọng ca được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở Trường Đại học Văn hóa Quân đội, đã khẳng định tên tuổi trong làng ca sĩ Quân khu. Đặc biệt, Đội còn có tay trống, Chính trị viên, Trung tá Nguyễn Cao Dương luôn sôi nổi, “cháy” hết mình khi bước ra sàn diễn. Tuy mỗi người một sở trường, năng khiếu riêng, song họ cùng gặp nhau ở một điểm chung là đam mê nghệ thuật, say mê ca hát, mong muốn dùng lời ca tiếng hát để chuyển tải một cách nhẹ nhàng, sâu lắng những bài học về tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy trong trái tim mọi người niềm tự hào của một dân tộc Anh hùng trải qua bao gian lao vất vả của 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước bằng cả trái tim…

Ít ai biết được rằng, để có thể tham dự một Hội diễn nghệ thuật, với những thành công như thế, họ phải dành nhiều thời gian đầu tư, khổ công tập luyện. Ngoài tình yêu, niềm đam mê với ca hát, đòi hỏi toàn đội phải đoàn kết, ý thức trách nhiệm với công việc, lao động hết mình mới có thể cống hiến cho khán giả những tiết mục biểu diễn đậm chất nghệ thuật nhất. Trung tá Nguyễn Hưng Thiện, Đội trưởng Đội Công tác tuyên truyền cơ sở minh chứng: để có buổi ra mắt thành công, ấn tượng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu vừa rồi, Đội đã tập luyện ròng rã hơn một tháng trời, bất kể ngày đêm, nhiều khi nhìn lại đồng hồ thấy đã qua ngày mới. Thế nhưng họ lại tự động viên nhau mỗi người cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa “Phải tập luyện cho nhuần nhuyễn để đáp lại sự kỳ vọng của thủ trưởng đơn vị, sự mong mỏi của khán giả”, H’Quý R’Chăm, cô trung úy chuyên nghiệp đa tài tâm sự như thế. Không phụ công khổ luyện, 6/7 tiết mục Đội tham gia, gồm: Vóc dáng anh hùng, Tổ quốc gọi tên mình, Mùa hái quả, Vững một niềm tin, Xôn xang mênh mang Cao nguyên Dak Lak, Hát mãi khúc quân hành… đã xuất sắc đoạt giải A. Thượng tá Nguyễn Minh Sơn, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5 cho rằng, Dak Lak hoàn toàn xứng đáng với giải Nhất toàn đoàn, khi các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, hoành tráng, đậm tính chuyên nghiệp.

Tham gia các Hội diễn nghệ thuật do Quân khu tổ chức đã vất vả, việc “hành quân” đi phục vụ cơ sở, nhất là những vùng sâu, vùng xa cũng gian khổ không kém. Bất kể thời tiết mưa, nắng, khi nhận được kế hoạch, toàn đội lại khẩn trương, ráo riết chuẩn bị tiết mục, khăn gói lên đường. Cơ sở còn nhiều khó khăn thiếu thốn, sân khấu, địa điểm có thể đặt tại trường tiểu học, hoặc trụ sở UBND xã, không có hệ thống âm thanh ánh sáng phục vụ cho buổi biểu diễn. Nhưng khi nhìn những gương mặt háo hức, những tràng pháo tay tán thưởng liên hồi của khán giả sau mỗi tiết mục như lại tiếp thêm lên ngọn lửa nhiệt huyết, để họ quên hết mệt nhọc, quên cả thời gian, ngân vang lời ca tiếng hát phục vụ người dân.

 Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.