Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Thắt chặt nghĩa tình quân dân nơi vùng biên

14:55, 07/01/2014

Huyện Buôn Đôn có 7 xã và  99 thôn, buôn, với 14.290 hộ dân và 64.197 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 31,9%. Trong những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh công tác dân vận, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần đưa diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc...

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huện Buôn Đôn tham gia giúp dân làm đường giao thông xây dựng nông thôn mói
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn tham gia giúp dân làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn đã vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hưởng ứng tích cực phong trào “Hũ gạo người nghèo”, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Để bảo đảm tính bền vững và ngày càng nhân rộng hiệu quả các phong trào, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xây dựng kế hoạch, cử cán bộ thường xuyên bám nắm địa bàn, phát huy vai trò của tổ công tác dân vận, kịp thời khảo sát và trực tiếp đề xuất giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều cách làm hiệu quả như: hỗ trợ sổ tiết kiệm; xây nhà tình nghĩa; nhận nuôi dưỡng các cháu mồ côi; về thôn, buôn khám, chữa bệnh; hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình và tham gia xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như: Trước hoàn cảnh đáng thương của 5 anh em cháu Chu Văn Nam (SN 1993), ở buôn Ea Brí, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) lần lượt mất cả cha lẫn mẹ vào năm 2013, phải sống trong ngôi nhà ván dột, nát,  không có đất sản xuất, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn đã trích nguồn quỹ trên 40 triệu đồng từ “Hũ gạo người nghèo” xây tặng các cháu căn nhà có diện tích 40 m2. Hoặc, thông qua việc kết nghĩa với buôn Tul A, xã Ea Wer, Ban Chỉ huy Quân sự huyện biết được hoàn cảnh đáng thương của 3 cháu mồ côi là H’Gia Niê, H’Na Viêng Niê, Y Công Trình Niê đã quyết định nhận đỡ đầu nuôi dưỡng các cháu. Ba cháu bé mồ côi đã được bộ đội tặng chăn màn, quần áo, chu cấp gạo ăn hằng tháng, giúp sửa chữa nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi, giúp khai hoang 5 sào đất trồng hoa màu. Sau gần 3 năm được bộ đội nuôi dưỡng, chị em H’Gia Niê đã ổn định cuộc sống, các cháu đều được đến trường học tập. Không chỉ giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn còn giúp dân xây dựng đường giao thông nông thôn. Con đường bê tông khang trang, sạch đẹp của thôn 10 và thôn 11, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) vừa được xây dựng bằng nghĩa tình quân dân. Ông Lôi Văn Sáng, người dân thôn 10 xã Ea Bar tâm sự trong ngày vui làm đường mới: “Gia đình tôi định cư ở đây hơn 20 năm rồi, con đường rất khó đi lại, ngày nắng thì bụi, ngày mưa ổ gà biến thành những vũng bùn lầy lội. Nay với sự góp sức của bộ đội, con đường này đã được bê tông hóa, là niềm vui của hơn 60 hộ dân sống ở đây. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ”.

Thượng tá Trần Ngọc Sương, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn cho biết: Khi tiếp nhận các chủ trương của Quân khu 5, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ CHQS tỉnh về thực hiện công tác dân vận trên địa bàn đóng quân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra nhiều biện pháp thực hiện sát với đặc điểm, nhiệm vụ và khả năng của đơn vị nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa quân và dân trên địa bàn, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Để các phong trào có tính bền vững và ngày càng được nhân rộng, ngoài phong trào ‘Hũ gạo người nghèo”, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chi tiêu, tham gia “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo” gây thêm nguồn quỹ.

Phan Diệm - Văn Luyến

    


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.