Nghĩa tình nơi biên giới
Cùng bám trụ và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần của những người lính mang quân hàm xanh, những người dân lập nghiệp nơi vùng biên giới Ea Súp ngày càng thêm gắn bó, mến yêu mảnh đất Tây Nguyên, tạo thành bức phên giậu vững chắc, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Ân tình người lính
Người dân đến khám sức khỏe ở Phòng khám quân dân y kết hợp tại buôn Đrang Phôk. |
Biên giới-mảnh đất thiêng liêng gợi nhắc đến hình ảnh người lính biên phòng kiên trung, ngày đêm bám trụ, canh giữ từng tấc đất, tấc vàng của Tổ quốc. Nơi đây cũng chứng kiến bao câu chuyện cảm động về nghĩa tình giữa những người lính với nhân dân vùng biên cùng “chung lưng đấu cật”, góp phần bảo vệ biên giới quê hương. Đó là câu chuyện về những ngôi nhà mái ngói đỏ nâu mang tên “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” do bộ đội biên phòng xây tặng, vừa giúp những người dân từ mọi miền đất nước về đây được “an cư lạc nghiệp” trên quê hương mới, vừa làm cho diện mạo các xã vùng biên ngày càng khởi sắc. Nói một cách ví von như Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Thanh Hải, thì đó là: “Món quà tặng đầy ý nghĩa, thể hiện ân tình của những người lính mang quân hàm xanh. Ngôi nhà đã trở thành sợi dây gắn kết, tô thắm mối tình quân dân nơi biên giới”. Câu chuyện cảm động chúng tôi đã được “mắt thấy, tai nghe”, về nữ cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Châu, người vừa được Bộ đội Biên phòng tỉnh trao tặng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” là minh chứng sống động cho mối “lương duyên”, tình cảm sâu nặng, cá-nước giữa quân dân. Năm 2009 bà Nguyễn Thị Châu (quê ở Hà Tĩnh) đơn thân đơn chiếc vào xã Ya Lốp lập nghiệp. Có lẽ cuộc sống sẽ không quá vất vả, thiếu thốn nếu bà không bị những vết thương hành hạ lúc trái gió trở trời, khiến bao nhiêu tiền của làm được đều dồn vào việc chữa trị, nên ước mơ có một ngôi nhà trú mưa trú nắng dường như quá xa tầm tay của bà. Với trách nhiệm là đơn vị đứng chân trên địa bàn, Đồn Biên phòng 735 đã tham mưu, đề xuất Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây tặng bà một ngôi nhà tình nghĩa giúp bà ổn định cuộc sống. “Các chú biên phòng xem tôi như người mẹ, lo lắng cho tôi như con cái trong gia đình. Họ tự tay dựng nhà giúp tôi có chỗ ăn, chỗ nghỉ, thật sự tôi không biết nói thế nào cho hết lòng biết ơn của mình, thôi thì việc nhỏ trong tầm tay mình tôi có thể làm được, gọi là “đáp lại tình nghĩa” của các chú ấy là cùng với những người dân nơi đây tiếp tục gắn bó với vùng biên để tạo thành phên giậu vững chắc, cùng nhau giữ vững biên cương Tổ quốc” - bà Nguyễn Thị Châu sẻ chia.
Bà Nguyễn Thị Châu với niềm vui trong ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” do Bộ đội Biên phòng xây tặng. |
Nghĩa tình người lính nơi vùng biên còn hiển hiện cụ thể, sinh động qua những giếng nước, mà người dân nơi đây đặt một cái tên trìu mến là “Giếng nước-tình quân dân”, cái tên dường như đã nói lên tất cả lòng tri ân của người dân đối với những người lính Cụ Hồ. Những người lính biên phòng họ mới giải được “bài toán hóc búa” thiếu nước sinh hoạt quanh năm. Nếu như trước kia để có nước sinh hoạt (nhất là vào mùa khô), họ phải đi hàng chục km xuống sông, chở nước về, thì nay nhờ Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động hỗ trợ kinh phí và trực tiếp khoan giếng, xây bể chứa, đào đường ống, đưa nước về tận nhà, “giải” cơn khát khô hạn, đem lại niềm vui khôn tả cho hàng ngàn người dân trên địa bàn các xã biên giới…
Quân dân một ý chí
Đại tá Trần Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, song song với việc hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động dân vận ý nghĩa, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống”. Một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa, đem lại niềm vui cho hàng trăm hộ gia đình, giúp họ yên tâm gắn bó với vùng biên chính là cuộc vận động xây nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động. Cuộc vận động đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của tất cả các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Kết quả đã quyên góp được 8 tỷ đồng. Từ số tiền này đã xây dựng 166 nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” tặng hộ nghèo trên địa bàn các xã biên giới; xây dựng 16 công trình dân sinh, giếng nước sạch, phòng học, phòng khám quân dân y kết hợp… phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân. Mối quan hệ đoàn kết gắn bó, bền chặt giữa quân dân còn thể hiện qua việc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn biên giới, như các mô hình nuôi nhím, nuôi bò, trồng gừng, trồng thanh long, cây đu đủ… đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, sung túc hơn. Cùng “đồng cam, cộng khổ”, sẻ chia ngọt bùi, người lính biên phòng còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với nhân dân trên địa bàn đóng chân, khi tất cả Đồn Biên phòng đều xây dựng “Hũ gạo tình thương”, sẵn sàng hỗ trợ tiền của, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn vượt qua thời điểm ngặt nghèo…
Những việc làm thiết thực, hiệu quả của những người lính biên phòng giúp nhân dân ổn định cuộc sống ngày càng bồi đắp, thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt quân với dân. Sự hiện diện của những người lính mang quân hàm xanh đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân vùng biên. Người dân nơi đây ngày càng tin yêu, đoàn kết gắn bó với nhau nơi biên giới để tạo thành bức phên giậu vững chắc, cùng người lính giữ vững bờ cõi biên cương Tổ quốc.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc